TP Hồ Chí Minh: Trẻ nhập viện do mắc COVID-19 đang gia tăng
Số ca mắc COVID-19 mới và nhập viện tại TP Hồ Chí Minh gần đây đều tăng ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng cùng với biến thể phụ BA.5 chiếm ưu thế, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng tỷ lệ trẻ được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.
Trẻ F0 nhập viện do có bệnh lý nền
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức nhiễm COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số trẻ nhập viện do mắc COVID-19 trong thời gian gần đây tăng hơn so với những tháng trước đó.
Theo đó, nếu như những tháng trước hầu như không có bệnh nhi nào mắc COVID-19 nhập viện thì hiện nay trong khoa đang điều trị cho khoảng 4 - 5 bệnh nhi dưới 5 năm tuổi. Đa số trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ, nhưng trẻ nhập viện hầu hết đều có các bệnh lý nền kèm theo.
"Số trẻ nhập viện mắc COVID-19 có xu hướng tăng. Tuy nhiên, các trẻ này chủ yếu được điều trị bệnh nền như: ung thư, thận, viêm phổi... chứ không phải diễn tiến nặng do COVID-19. Mặc dù khi mắc COVID-19 kèm bệnh nền khiến bệnh nặng hơn, nhưng so với đợt dịch năm ngoái vẫn nhẹ hơn", bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ thêm.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang điều trị cho 2 trẻ mắc COVID-19 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang điều trị cho 1 trẻ mắc COVID-19. Hầu hết những trẻ mắc COVID-19 đang nằm điều trị có bệnh lý nền kèm theo và tình trạng sức khỏe ổn định, không trẻ nào bị nguy kịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày Thành phố ghi nhận 144 ca mắc COVID-19 mới. Các quận, huyện có số ca mắc COVID-19 mới tăng trong 21 ngày qua (từ ngày 16/7 đến 5/8) là Quận 10, 12, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tương ứng với số ca mắc mới tăng, số ca nhập viện và ca nặng cũng có xu hướng tăng. Theo đó, nếu như 7 ngày trước đó, trung bình Thành phố chỉ ghi nhận 18 ca nặng/ngày thì trong 7 ngày qua, số ca nặng nhập viện đã tăng gấp đôi, lên 35 ca/ngày.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 10/8, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 180 bệnh nhân, trong đó có 11 trẻ em dưới 16 tuổi.
Qua kết quả giám sát biến chủng của virus SARS-CoV-2 trên bệnh nhân nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 80% bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.5, 14% bệnh nhân nhiễm biến thể phụ BA.2 và mỗi biến thể BA.1 và BA.4 chiếm 3%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 - 13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến chủng Delta trước đó. Tuy nhiên, đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vaccine có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.
Từ một góc độ khác, tuy các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó, đặc biệt sau khi đã tiêm chủng vaccine hoặc từng nhiễm bệnh, các dữ liệu cũng cho thấy biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, ngay cả khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người bị nhiễm các biến thể Omicron cần nhập viện, khi có một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khả năng gây các biến chứng hậu COVID-19 của các biến chủng này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều.
Nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố có khuynh hướng tăng cao trong những tuần cuối của tháng 7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vacicne phòng COVID-19 cho trẻ em.
Sau 1 tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi (1/8 - 7/8/2022), số lượt tiêm có tăng so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước.
Lý giải về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở một số quận, huyện vẫn còn thấp, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%) và một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%). Kế đến là một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai trong tuần đầu của tháng cao điểm, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vaccine ngay tại trường học, nơi trẻ đang theo học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ học sinh đi tiêm thấp được lý giải là do học sinh chưa tựu trường nên công tác vận động, kêu gọi phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất Thành phố cho ngành giáo dục thêm thời gian và đến ngày 22/8 khi học sinh một số khối, bậc học tựu trường sẽ tổ chức tiêm cho trẻ ngay trong trường học.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục cải thiện tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng COVID-19, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao hơn trong công tác truyền thông và tổ chức các điểm tiêm thuận lợi nhất cho trẻ em trong 3 tuần còn lại của tháng cao điểm.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các giải pháp, như đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đến từng phụ huynh học sinh; đồng thời vận động các bậc phụ huynh đồng thuận và chủ động cho trẻ đến điểm tiêm vaccine càng sớm càng tốt; mở thêm nhiều điểm tiêm tại các trường học, không từ chối tiêm đối với những trẻ không có danh sách đăng ký tiêm (nếu đủ điều kiện tiêm)…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục giám sát hoạt động tiêm chủng và kết quả tiêm mỗi ngày tại tất cả 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, công khai kết quả giám sát; triển khai thêm xe tiêm vaccine lưu động, sẵn sàng hỗ trợ tiêm tại các trường còn số ít học sinh chưa tiêm ở giai đoạn học sinh tập trung đi học lại.
Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải thật sự xem công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân và học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi là một hoạt động cấp bách, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định cho sự thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Phấn đấu tỷ lệ tiêm trên địa bàn không thấp hơn tỷ lệ tiêm trung bình của cả nước vào cuối tháng cao điểm.