TP Hồ Chí Minh: Trên 200 học sinh mắc COVID-19 tại trường chỉ trong 2 ngày
Chiều 21/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định trong tuần này, số ca F0 trong trường học cũng như tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, chỉ trong ngày 17/2, Thành phố ghi nhận 95 học sinh mắc COVID-19 trong trường học và ngày 18/2 ghi nhận thêm 112 học sinh. Riêng đối với khối mầm non, trong tuần đầu đi học, Thành phố ghi nhận 13 trẻ F0 và 75 học sinh tiểu học tại trường.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trong tường học tại TP Hồ Chí Minh, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, như dự đoán ban đầu của ngành giáo dục, trong tuần từ ngày 14 đến ngày 18/2 là tuần thứ 2 học sinh đi học trở lại sau Tết Nguyên Đán 2022, tình hình dịch bệnh tại thành phố nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng cũng có những diễn biến phức tạp.
Do đó, các trường đang nỗ lực để thực hiện công tác đảm bảo an toàn tối đa cho các em học sinh, cho trẻ khi đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, ngoài việc dịch bệnh diễn biến phức tạp còn có sự lúng túng trong việc xác định quy trình xử lý F1 đối với trẻ mầm non, học sinh.
“Tuần này, Bộ Y tế ban hành văn bản về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần. Theo đó, nếu trong lớp có 1 học sinh F0 thì trong lớp sẽ chỉ có một số học sinh F1 chứ không phải toàn bộ là F1. Đối với việc xử lý học sinh F1, sẽ được phân ra làm hai loại: đối với học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được cách ly ở nhà 5 ngày, nếu ngày thứ 5 âm tính sẽ được đi học trở lại; đối với học sinh F1 chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ cách ly ở nhà 7 ngày”, ông Trịnh Duy Trọng nói.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế triển khai ngay văn bản này đến các cơ sở giáo dục và thống nhất thực hiện chung toàn thành phố từ ngày 21/2. Song song đó, ngành giáo dục và ngành y tế sẽ có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về phương án kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố trong cơ sở giáo dục và trong đó có quy định xử lý F0, F1 để tăng cường công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn cho học sinh trong giai đoạn sắp tới khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong số 1.278 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện thì có 110 trẻ em dưới 16 tuổi.