TP Hồ Chí Minh: Triển khai chiến lược phòng, chống ung thư

Sáng 13/4, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước thực trạng số ca mắc và tử vong do ung thư đang có khuynh hướng gia tăng, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến lược phòng, chống.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Công tác phòng, chống ung thư trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn gặp không ít khó khăn, cụ thể như việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn phổ biến; năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn; nguồn lực chưa được đầu tư đúng mức để có thể áp dụng các công nghệ và phương pháp chẩn đoán, điều trị mới nhất vào thực tiễn….

Hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được đẩy mạnh, tuy nhiên chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến trên.

Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến y tế cơ sở, nhất là thuốc giảm đau morphin dùng trong ung thư, còn gặp nhiều khó khăn.

“Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 sẽ chính thức được khánh thành trong một vài ngày tới đây không chỉ mang lại niềm vui của người dân mắc bệnh ung thư mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai chiến lược phòng, chống ung thư trên địa bàn thành phố, một tiền đề quan trọng không thể thiếu để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của chiến lược phòng, chống ung thư”, đại diện Sở Y tế nhấn mạnh.

Ngành Y tế thành phố đã triển khai chiến lược phòng chống ung thư bao gồm các giải pháp cụ thể như triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vaccine... trong phòng ngừa ung thư, đồng thời xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố...

Các hoạt động cụ thể để phòng, chống ung thư như sau: Xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ung thư trong cộng đồng; triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư; khuyến khích các bệnh viện đa khoa tư nhân phát triển chuyên khoa ung thư; huy động nguồn lực xã hội xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh bằng công nghệ cao, giúp phát hiện sớm bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác ngay từ khi chưa có triệu chứng…

Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối) cho thấy số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã lên đến con số hơn 11.000 người (11.292 người), trong đó nam giới là 5.014 và nữ giới là 6.278.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tp-ho-chi-minh-trien-khai-chien-luoc-phong-chong-ung-thu-post747528.html