TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch
Du lịch thực tế ảo đã và đang trở thành một xu hướng mới trên toàn thế giới. Một số tỉnh, thành ở Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào việc phát triển du lịch, trong đó có TP Hồ Chí Minh.
Hướng dẫn viên ảo
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng chuyên trang quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn, bản đồ điểm đến, tour ảo, camera tour, sản phẩm OCOP... Nhiều doanh nghiệp lu lịch cũng đang tiếp tục phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ thực tế ảo để tiết kiệm chi phí và đem đến nhiều trải nghiệm mới cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan tại TP Hồ Chí Minh.
Nắm bắt xu hướng du lịch ứng dụng công nghệ đang lên ngôi, sàn du lịch Tatinta cũng vừa ra mắt ứng dụng tour guide (hướng dẫn viên du lịch) ảo Tatinta để phục vụ nhu cầu ngao du theo gu của giới trẻ hay theo các nhóm bạn bè, gia đình muốn đi du lịch tự túc ở nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi cài ứng dụng hướng dẫn viên ảo chị thấy có rất nhiều tính năng như: giúp du khách thoải mái khám phá các điểm đến trong nước và quốc tế với chi phí thấp. Chưa kể trên app này, tour guide ảo còn có thể thuyết minh miễn phí cho hơn 5.000 điểm tham quan, với hàng trăm tuyến tour của 150 thành phố du lịch phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, tour guide ảo thuyết minh bằng tiếng Việt sẽ giúp phục vụ cho du khách Việt đi du lịch nước ngoài và tiếng Anh cho khách du lịch quốc tế vào vào Việt Nam.
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch, bà Lê Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhà sáng lập Công ty CP Tatinta cho biết, hiện có hai nhóm du khách đặc biệt thích hợp với dịch vụ tour guide ảo, đó là nhóm khách muốn sự riêng tư hoặc khách muốn tiết kiệm chi phí. Mặt khác, các du khách Việt Nam đi tour Hop-on Hop-off (du lịch trải nghiệm và ngắm cảnh với trạm dừng là các địa điểm tham quan) ở nước ngoài cũng có thể sử dụng khi chưa thông thạo tiếng Anh tại bất cứ điểm du lịch nào trên thế giới. Khi đó, du khách chỉ mở ứng dụng Tatinta Guide và chọn điểm tham quan ở trên thế giới là du khách Việt Nam nghe đầy đủ thông tin điểm tham quan và tìm kiếm những địa điểm du lịch xung quanh mình.
Trước đó, vào năm 2020, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng cho ra mắt ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào triển khai giải pháp tham quan thực tế ảo, tương tác thông minh (Virtual Tour). Đây được xem là bảo tàng số đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, một số bảo tàng khác như: Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng được đầu tư công nghệ số để làm thành “Chiếc hộp kể chuyện”. Thông qua "Chiếc hộp kể chuyện" du khách sẽ được nghe thuyết minh về điểm đến bằng những câu chuyện gần gũi và sinh động, từ đó, người dân sẽ hiểu rõ về di sản của mình và du khách còn có thể khám phá các bảo tàng của Thành phố để thêm yêu lịch sử - văn hóa nước nhà mình.
Booth tra cứu thông tin du lịch, tham quan thực tế ảo
Để phát triển du lịch thông minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản về kết quả thực hiện Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, TP Hồ Chí Minh tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như: tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn.
Thực tế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác hỗ trợ quảng bá du lịch; các ứng dụng này cũng đã tạo điều kiện cho hướng dẫn viên và các doanh nghiệp du lịch phải đổi trong việc thực hiện thủ tục thanh toán, giao dịch hành chính với khách.
Đại diện Công ty lữ hành Saigontourist cho biết, thay đổi rõ nhất chính là cách thức mua tour của du khách. Trước đây, du khách thường đến các văn phòng để nghe tư vấn, tìm hiểu tour tuyến thì thời gian qua, du khách lại còn các trải nghiệm trên nền tảng số nhiều hơn, ngay cả thanh toán khách hàng cũng ưu tiên không tiền mặt. Những thay đổi này cũng khiến cho cách thức hoạt động của doanh nghiệp cũng phải khác trước bằng việc đẩy mạnh ứng dụng số.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Du lịch - nền kinh tế xanh, cũng không ngoại lệ và ngành du lịch muốn chuyển mình mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình. Vừa qua, ngành du lịch Thành phố cũng đã và đang chủ động chuyển đổi số với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hiện hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ lỗi thời nhanh; quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư nhiều và kéo dài thời gian. Vì vậy, muốn thực hiện việc đầu tư các dự án du lịch công nghệ số cần có nhân sự kiến thức tốt về công nghệ thông tin và phải am hiểu về Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu...
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, để hướng tới trở thành một thành phố du lịch thông minh, trong thời gian tới, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển các giải pháp, ứng dụng công nghệ như xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo; triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID; triển khai Dự án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC…
"Theo tinh thần Nghị Quyết số 82 của Chính phủ về “nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" được ban hành vào tháng 5/2023 với phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm", chuyển đổi số để tăng trải nghiệm của du khách là đương nhiên và thực tế một mình cơ quan quản lý ngành du lịch không thể thực hiện hết được những nhiệm vụ trên mà ngành du lịch mong muốn “phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch. Sắp tới, Sở sẽ xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo. Song song đó là triển khai hệ thống chatbot, nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan công nghệ RFID; xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC...", ông Hiền Hòa cho biết.