Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư nút giao thông trọng điểm để giảm ùn tắc

Để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án nút giao thông thuộc danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2025.

Cảnh ùn tắc giao thông trên một tuyến đường ở Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Cảnh ùn tắc giao thông trên một tuyến đường ở Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đó là, các nút giao thông kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, có tác động lan tỏa, tạo động lực kích thích sự phát triển giao thông vận tải thành phố và vùng; phù hợp định hướng phát triển không gian đô thị trên cơ sở hành lang phát triển. Thành phố ưu tiên đầu tư các nút giao thông thuộc các tuyến vành đai, quốc lộ, các tuyến kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải, kết nối các đầu mối vận tải như cảng hàng không, khu công nghiệp, trung tâm logistics…

Sở Giao thông Vận tải đề xuất chia thứ tự ưu tiên đầu tư các nút giao thông theo các giai đoạn 2022 – 2025, giai đoạn 2025 – 2030 và sau năm 2030.

Dựa trên mức độ đánh giá, ưu tiên đầu tư 16 dự án trong giai đoạn 2022 – 2025 nhằm bảo đảm kéo giảm ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố, tiến tới hoàn thành Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Trong số 16 dự án ưu tiên giai đoạn 2022 - 2025, dự án nút giao Ngã tư Đình (Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Quá) trên địa bàn Quận 12 đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nút giao này hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do lượng phương tiện trên Quốc lộ 1 rất lớn.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (khoảng 398 tỷ đồng) và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (khoảng 10 tỷ đồng) để sớm triển khai thực hiện.

Có 5 dự án đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đầu tư công gồm: Nút giao Linh Xuân (Quốc lộ 1 – Quốc lộ 1K); Ngã tư Bốn xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương lộ 2); Ngã 7 Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong; Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh; Ngã 6 Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Chí Thanh. Sở Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư công điều chỉnh các dự án và thực hiện các thủ tục theo quy định.

Trong khi đó, 10 dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là nút giao Quốc lộ 1 - đường Vườn Lài; nút giao Bà Điểm (Quốc lộ 1 - Phan Văn Hớn); Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu; Ngã tư Thủ Đức; Hòa Bình - Lạc Long Quân; Lý Thường Kiệt - Đường Ba Tháng Hai; Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị; Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi; Lạc Long Quân - Âu Cơ; Ngã 5 Đài Liệt sĩ. Sở Giao thông Vận tải đề nghị bố trí vốn mỗi dự án khoảng 500 triệu đồng.

Với nguồn vốn đầu tư chưa đảm bảo cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao dẫn đến một số tuyến đường huyết mạch, các nút giao thông lớn có nguy cơ ùn tắc. Mức độ phục vụ ở ngưỡng thấp đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sống của người dân.

Thống kê và mô phỏng của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, mức phục vụ trung bình của hệ thống đường bộ Tp. Hồ Chí Minh hiện ở mức D (dòng bắt đầu không ổn định, lái xe ít có tự do trong việc chọn tốc độ), vận tốc trung bình đạt 32 km/ giờ.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; trong đó có 2 điểm chuyển biến tốt, 9 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 7 điểm không chuyển biến.

Theo quy hoạch, Tp. Hồ Chí Minh có 102 nút giao thông chính khác mức; trong đó 68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 nút giao trên các tuyến nội đô. Các nút giao được đầu tư đến nay là 29 nút, đạt tỷ lệ 28%; trong đó có 18/68 nút giao trên tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ, đạt tỷ lệ 27% và 11/34 nút giao trên tuyến nội đô, đạt 23%./.

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-uu-tien-dau-tu-nut-giao-thong-trong-diem-de-giam-un-tac/254482.html