TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh: Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố chất thải
TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn với phương châm 'bốn tại chỗ', 'ba sẵn sàng'.
Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao. Lực lượng dự kiến huy động, gồm: quân sự, công an, bộ đội biên phòng, y tế, hội chữ thập đỏ, lực lượng xung kích… với khoảng hơn 29.000 người.
Trong đó, lực lượng quân sự, công an và lực lượng xung kích địa phương sẽ là các mũi chủ lực xử lý các sự cố. Hàng trăm phương tiện, trang thiết bị ứng phó với sự cố cũng được sẵn sàng như: 114 xe tải, 81 xe cứu hỏa các loại, 26 xe cứu hộ, 13 xe cứu thương, 67 xe chuyên dụng, 75 ô tô từ 4 - 29 chỗ…
Theo rà soát của ngành chức năng, tại TP. Hồ Chí Minh, các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao là: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi); Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa, Tham Lương - Bến Cát; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Ngoài ra, thành phố có khoảng 80 cơ sở kinh doanh, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm.
Khả năng xảy ra sự cố chất thải rắn là công trình xử lý bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão làm sạt lở bãi chôn lấp gây tràn đổ chất thải ra môi trường. Đối với nước thải, khả năng xảy ra do mưa, bão bất thường làm đập, hồ chứa nước thải chưa qua xử lý bị sạt lở, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư.
Đối với tỉnh Tây Ninh, địa phương này cũng vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải. Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh giao cho 19 sở, ban ngành, địa phương tổ chức huy động lực lượng thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có sự cố về chất thải; hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường; điều động lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.
Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là cơ quan chỉ huy về công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Chủ trì việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải theo kế hoạch của tỉnh, tham mưu đề xuất về phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải có hiệu quả. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu công tác quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo quy định; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố môi trường để chủ động phòng tránh, ứng phó. Công an tỉnh tham mưu về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh...
Tỉnh Tây Ninh hiện có 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 18 cơ sở dệt nhuộm; 7 cơ sở gia công, sản xuất da giày; 4 cơ sở sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; 3 cơ sở sản xuất pin, ắc quy chì, 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 22 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy chế biến đường, 1 nhà máy sản xuất xi măng, 4 nhà máy luyện cán kéo thép; 4 nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; 2 nhà máy sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có 52/696 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động, có nguy cơ gây ô nhiễm.