TP. Hội An tiên phong thí điểm mô hình 'cân rác thải thu tiền'
Để góp phần bảo vệ môi trường và phấn đấu đưa TP. Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững cũng như đảm bảo sự công bằng trong thu tiền xử lý rác thải của các hộ dân, địa phương đã thí điểm thành công mô hình 'cân rác thải thu tiền'.
Từ trước đến nay, mức thu phí rác thải ở TP. Hội An (Quảng Nam) đang ở mức đồng giá tính theo hộ gia đình, việc này gây mất công bằng cho các hộ dân xả thải ít hơn, hộ thải ra hàng tấn rác mỗi tháng cũng chỉ chịu kinh phí như hộ chỉ thải vài chục, vài trăm kilôgam. Đồng thời sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại, xả rác vô tội vạ, không cần phân loại, không có ý thức hạn chế, tất cả phó mặc cho đơn vị thu gom, xử lý làm tăng khối lượng rác thải chưa được phân loại và gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, khi khối lượng rác thải chưa được phân loại tăng sẽ kéo theo kinh phí xử lý rác thải tăng cao, tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách địa phương.
Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến năm 2025 sẽ bắt buộc thu phí rác thải theo khối lượng trên cả nước. TP. Hội An đã đi đầu trong cả nước thí điểm thu phí rác thải theo khối lượng và để thực hiện mô hình thí điểm “cân rác thải thu tiền”, TP. Hội An đã chọn 450 hộ dân trên trục đường Nguyễn Tri Phương (phường Cẩm Nam) phân loại tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm, bao gồm chất thải thực phẩm; chất thải có khả năng tái chế; tái sử dụng và chất thải rắn sinh hoạt khác. Các loại chất thải này được chứa trong các túi nilon có màu sắc và thể tích khác nhau (10 lít, 15 lít, 20 lít và 40 lít), giá bán túi nilon mà thành phố bán cho người dân cũng sẽ khác nhau, lần lượt là 1.900 đồng, 5.000 đồng, 7.500 đồng và 15.000 đồng.
Người dân cũng có nhiều ý kiến trái chiều, một số hộ cho rằng nếu áp dụng hình thức thu phí rác thải theo khối lượng như đang thí điểm thì số tiền phải nộp có thể sẽ rất cao. Ai dùng nhiều sẽ phải bỏ tiền nhiều, nhưng họ vẫn rất ủng hộ vì cho rằng đây là sự công bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng đây chỉ là thay đổi cách thức thu phí từ việc bán túi nilon thay vì nộp mỗi hộ 30.000 đồng/tháng, nếu quản lý không chặt thì nhiều người vẫn có thể sử dụng túi thông thường hoặc xả rác bên ngoài khu vực thu gom để không phải bỏ tiền mua thêm.
Theo ghi nhận từ các công nhân môi trường, thực tế một số hộ dân vẫn còn sử dụng các loại túi nilon khác để chứa chất thải gia đình mà không sử dụng túi do công ty môi trường đô thị đã bán hoặc đổ thải thải ra các vị trí khác để tránh phải nộp phí.
Bà Huỳnh Phạm Thùy Lan, Phó chủ tịch UBND phường Cẩm Nam, cho biết, địa phương là nơi đầu tiên thí điểm nên trước mắt phường chủ yếu tuyên truyền để người dân có thói quen phân loại rác và khuyến khích người dân dùng túi nilon của thành phố bán để chứa rác. Kết quả đạt được khá tốt, cụ thể từ giữa năm 2023 đến nay, đã có hơn 50% hộ dân trên địa bàn phường ủng hộ và sử dụng túi được thành phố bán để chứa rác.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, việc duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn sẽ làm giảm khoảng 30% lượng rác chôn lấp, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên. Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững.
"Hiện chúng tôi mới thí điểm làm trước tại một phường để rút kinh nghiệm, bước đầu tỷ lệ thành công đạt hơn 50%. Cách thức tính phí thu gom rác theo thể tích dù có nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng đây sẽ là xu hướng của tương lai để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân", ông Hùng nói.
Thu phí theo hình thức “cân rác thải thu tiền” sẽ tạo ra sự công bằng cho các hộ dân, nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế, vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng xả rác tùy tiện, vô tội vạ, giảm bớt chi ngân sách.