TP Sầm Sơn quyết liệt trong xây dựng và phát triển đô thị
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030 xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực.
Cán bộ các phòng, ban của TP Sầm Sơn giải đáp vướng mắc cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất, bồi thường, GPMB Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã.
Để đạt mục tiêu đề ra, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, TP Sầm Sơn đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện khâu đột phá về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24-12-2020 về công tác GPMB trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Từ đó, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB để triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Là 1 trong 5 phường của thành phố phải thực hiện công tác GPMB phục vụ Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, trên địa bàn phường Trung Sơn có 2.500 thửa đất của gần 2.000 hộ dân thuộc 7 khu phố bị ảnh hưởng thu hồi. Ông Hoàng Thăng Giáp, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn, cho biết: “Để có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ là cả một quá trình gian nan, vất vả; từ tháng 12-2021, cả hệ thống chính trị của phường vào cuộc để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu và tự giác chấp hành cũng như tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trong diện phải thu hồi đất”.
Trao đổi thêm về công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn TP Sầm Sơn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Sầm Sơn, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2023, UBND TP Sầm Sơn đã thực hiện 85/160 dự án, đạt 53,1% mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Trong đó, diện tích thu hồi đất 401,4 ha/850 ha (đạt 47,22%) với tổng số hộ dân bị thu hồi 7.794 hộ/11.000 hộ (đạt 70,85%); tổng kinh phí thực hiện bồi thường là 3.081 tỷ/12.000 tỷ (đạt 25,68%); tổng số hộ đã bố trí tái định cư là 1.513/3.500 hộ (đạt 43,23%). Để hoàn thành được khối lượng công việc trên, việc thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc tiến hành bồi thường, GPMB theo đúng Luật Đất đai, Ban Thường vụ TP Sầm Sơn đã chỉ đạo hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức các cuộc họp dân tại địa bàn triển khai thực hiện dự án, giải đáp mọi thắc mắc của bà con. Đặc biệt, để người dân đồng thuận, tự giác chấp hành thực hiện dự án, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động, UBND thành phố đã thực hiện công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến dự án, công trình, các thủ tục, chế độ, chính sách, quy trình GPMB, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để người dân nắm bắt. Đối với một số trường hợp không đồng ý kê khai, kiểm đếm đất và tài sản trên đất, không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất, các tổ công tác, giúp việc cho Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư thành phố phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đến từng hộ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiên trì thuyết phục, giải thích rõ chính sách cho người dân hiểu nhằm tạo niềm tin, sự đồng thuận và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên trực tiếp đối thoại với các hộ dân còn vướng mắc về GPMB, song cũng cương quyết cưỡng chế thu hồi đất, xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật đối với những trường hợp cố tình chống đối.
Nhờ những giải pháp nêu trên, UBND thành phố đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch GPMB được xây dựng hằng năm. Cụ thể, năm 2021 đã GPMB 199,83 ha (đạt 106,3% kế hoạch); năm 2022, đã GPMB 156,43 ha (đạt 102,6% kế hoạch); từ đầu năm 2023 đến ngày 15-6, đã GPMB 46,14 ha (đạt 64,48% kế hoạch). Trong đó, thành phố đã GPMB cho nhiều dự án lớn, như: Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội; Khu đô thị và công viên vui chơi giải trí Nam sông Mã; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng sông Đơ...
Cùng với đó, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, gắn với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã triển khai nhiều dự án lớn trọng điểm của tỉnh, của thành phố, như: Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1, đường Trần Nhân Tông đoạn từ cuối Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1 đến đường Nguyễn Du, TP Sầm Sơn; đường bộ ven biển tỉnh Thanh Hóa (đoạn TP Sầm Sơn - Quảng Xương)... Cùng với các dự án lớn; kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư được đầu tư nâng cấp, ngày càng được hoàn thiện. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố ngày càng tăng, năm 2021 đạt 85%, 2023 đạt 92,1%, ước năm 2023 đạt 92,3%.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng TP Sầm Sơn vẫn bám sát tinh thần chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc và phương châm thống nhất, trách nhiệm trong thực hiện công tác GPMB. “Trong thời gian tới, TP Sầm Sơn phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về công tác GPMB trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thực hiện hoàn thành GPMB khoảng 160 dự án; thu hồi đất khoảng 850 ha, liên quan tới 11.000 hộ dân (đất ở và đất nông nghiệp), số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bố trí tái định cư cho khoảng 3.500 hộ dân. Vì vậy, thành phố tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, khẩn trương để đẩy nhanh công tác GPMB. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị thu hồi đất, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích các hộ dân phải di chuyển chỗ ở thực hiện tái định cư tự nguyện, được tự lựa chọn hình thức tái định cư bằng việc nhận đất hoặc nhận tiền, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các hộ dân. Giảm dần các vụ khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, GPMB, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố” - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Sầm Sơn Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.