TP.Thái Bình: Chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực ứng phó mưa bão

Trải dài TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình là khoảng 22km đê sông Trà Lý, trong đó có một số trọng điểm đê, kè xung yếu. Xác định nhiệm vụ trọng tâm mùa mưa bão là ứng phó kịp thời và hạn chế tối đa thiệt hại, thành phố này đã sớm hoàn thiện nhiều phương án.

TP.Thái Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thái Bình. Tại đây có nhiều công trình, dự án lớn đang được xây dựng; mật độ dân số cao, lượng người sinh sống, tham gia học tập, công tác, du lịch nhiều. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được thành phố này đặc biệt chú trọng, đề phòng cả trường hợp lũ, bão, mưa lớn cùng lúc và kéo dài.

Các phương án ứng phó đã được TP.Thái Bình nghiên cứu xây dựng và triển khai, sớm hoàn thiện nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, chống úng lụt; ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Thi công cống thoát nước tại tuyến phố Bồ Xuyên, TP.Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình)

Thi công cống thoát nước tại tuyến phố Bồ Xuyên, TP.Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình)

Thời gian qua, thành phố này đã và đang triển khai nhiều dự án củng cố, tu bổ công trình thủy lợi, đê điều; cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ. Trong đó có dự án cải tạo tuyến đường Lê Quý Đôn đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Thủ Độ. Đây là 1 trong 3 dự án đang được thành phố triển khai và gấp rút thi công để đi vào hoạt động. Dự án này góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố, giải quyết bài toán ngập úng đang tồn đọng trong nhiều năm qua.

Đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, lòng đường Lê Quý Đôn, đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Thủ Độ. Ảnh: Báo Thái Bình

Đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè, lòng đường Lê Quý Đôn, đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Thủ Độ. Ảnh: Báo Thái Bình

UBND thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý công trình thủy lợi, đê điều; kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm. Từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp chống ngập úng gắn với chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lòng đường các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Bồ Xuyên. Trong 6 tháng đầu năm, trải qua những đợt mưa lớn, người dân tại các khu vực đã được triển khai dự án cải tạo, nâng cấp rất phấn khởi vì tình trạng ngập úng được cải thiện.

Nạo vét, khơi thông hệ thống sông trục xã Phú Xuân (TP.hái Bình) - Ảnh: Báo Thái Bình

Nạo vét, khơi thông hệ thống sông trục xã Phú Xuân (TP.hái Bình) - Ảnh: Báo Thái Bình

TP.Thái Bình cũng chuẩn bị các phương án cụ thể theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục chủ động, chuẩn bị sớm và đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực; bảo vệ an toàn hệ thống đê sông Trà Lý; chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tích cực, chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và có phương án ứng phó với trường hợp bất lợi nhất là lũ - bão trùng hợp xảy ra.

Đồng thời chủ động phòng tránh và tiêu úng cho lúa, cây màu, vùng nuôi thủy sản, các khu - cụm công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị ở mức cao nhất. Quán triệt sâu sắc đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tpthai-binh-chu-dong-chuan-bi-som-va-day-du-phuong-tien-vat-tu-nhan-luc-ung-pho-mua-bao-90425.html