TP Thanh Hóa 'cán đích' nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, TP Thanh Hóa có 14/30 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2018 đạt 16,9%, riêng năm 2019 đạt 17,9%.
Mô hình trồng hoa trên đất kém hiệu quả ở xã Đông Lĩnh.
Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh cả về quy mô và loại hình. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 53,2% tổng mức hàng hóa, dịch vụ của tỉnh. Hoạt động xuất khẩu cũng thu được kết quả cao, năm 2019 đạt 1.667 triệu USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Toàn thành phố có 43 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với 23 mặt hàng gồm: Quần áo các loại, giầy vải, dép xốp, đá ốp lát, thủy sản. Song song với đó, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề hoạt động. Trong 4 năm qua, trên địa bàn thành phố thành lập mới 3.351 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động đã tăng tính cạnh tranh và sự đa dạng về ngành nghề kinh doanh cho nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước. Công tác xúc tiến đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển được quan tâm, cải thiện mạnh mẽ, thành phố đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư lớn. Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng huy động vốn đầu tư phát triển của thành phố đạt 108.470 tỷ đồng, với nhiều dự án, công trình quy mô lớn được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Có thể kể đến đường vành đai phía Tây, đường Đông - Tây, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Khu đô thị Đông Hải, Trung tâm hành chính mới TP Thanh Hóa... đã và đang tạo nên diện mạo, vóc dáng mới cho thành phố hôm nay. Cùng với những chuyển biến về văn hóa – xã hội, lĩnh vực du lịch của thành phố cũng có bước tiến dài. Thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện các Đề án “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2030”, “Du lịch trải nghiệm đồng quê” và công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn. Đồng thời, các hoạt động dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm được quan tâm phát triển và có sự kết nối. Đây chính là điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến thành phố hai bên bờ sông Mã.
Đáng chú ý, với sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của toàn đảng bộ, các cấp chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị – xã hội, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần đưa TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra. “Luồng gió” từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những đổi thay lớn lao về mọi mặt khu vực nông thôn của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của địa phương. Nhờ đó đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập của người dân khu vực nông thôn và nội thành. Điều đó được minh chứng ở việc đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của thành phố năm 2019 đạt 95,2 triệu đồng. Từ những kết quả đạt được, TP Thanh Hóa tiếp tục khẳng định là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tinh thần “tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án”, TP Thanh Hóa đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm, phấn đầu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020.