TP.Thủ Dầu Một: Nâng tầm phát triển thương mại - dịch vụ
Để xứng tầm “thành phố đáng sống”, Thủ Dầu Một đang hướng tới sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, thành phố phát triển mạnh các loại hình thương mại - dịch vụ (TM-DV) hiện đại để người dân có điều kiện làm việc và hưởng thụ các tiện ích chất lượng cao.
TP.Thủ Dầu Một với nhiều lợi thế trong thu hút, tổ chức các hội chợ, triển lãm trên nhiều lĩnh vực. Trong ảnh: Một góc triển lãm máy móc ngành gỗ tổ chức cuối năm 2023 tại thành phố mới
Nâng tầm TM-DV
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết thành phố đang xây dựng một đô thị kết hợp giữa phát triển TM-DV, công nghiệp và nông nghiệp đô thị công nghệ cao, kinh tế tri thức, song hành với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. TP.Thủ Dầu Một tiếp tục tập trung triển khai các chương trình đầu tư phát triển đô thị, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, Thủ Dầu Một đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển TM-DV chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo… Địa phương cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng cao tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ tác động trở lại, tạo động lực phát triển công nghiệp.
Ông Võ Chí Thành cho biết: “Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh các dự án TM-DV theo phê duyệt của UBND tỉnh về đề án điều chỉnh quy hoạch, phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Trong đó, định hướng quy hoạch đất TM-DV đến năm 2030 với diện tích gần 495 ha, tăng hơn 99 ha so với hiện tại; thực hiện 10 công trình, dự án nhằm tập trung phát triển công nghiệp đô thị theo hướng văn minh hiện đại giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2025-2030, tầm nhìn 2045”.
Thành phố vận động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai mô hình và sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… để tạo đột phá về dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính, theo hướng đô thị thông minh. Trong đó, thành phố mới Bình Dương sẽ tiếp tục đóng vai trò hạt nhân.
Ồng Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết việc tăng tỷ trọng TM-DV là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Hiện nay, 3 thành phố trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Ngành công thương sẽ hỗ trợ TP.Thủ Dầu Một phát triển đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Để tạo quỹ đất phát triển TM-DV, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng chuyển đổi công năng, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Theo đề án triển khai, từ nay đến năm 2030 áp dụng theo lộ trình di dời phù hợp cho từng nhà máy. Trước mắt, thành phố chọn những nhà máy có nhu cầu làm điểm sau đó nhân rộng cho những nhà máy khác từng bước chuyển đổi công năng theo kế hoạch đã đề ra. Ông Võ Chí Thành cho biết thêm, UBND TP.Thủ Dầu Một đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng các tiêu chí và một số chính sách di dời doanh nghiệp (DN) sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho DN chuyển đổi công năng.
Kết nối với thế giới
Bên cạnh đô thị cũ đang được chỉnh trang, thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao theo đúng định hướng, thành phố mới Bình Dương đã và đang làm tốt vai trò hạt nhân trong việc phát triển kinh tế cân bằng nhằm thu hẹp khoảng cách về tỷ trọng giữa công nghiệp và TM-DV theo hướng kết nối với thế giới.
Tại thành phố mới, hạ tầng về công nghệ thông tin, viễn thông là điểm sáng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng như của tỉnh, cung cấp dịch vụ wifi trên nền tảng điện toán đám mây hỗ trợ cho các DN, xây dựng thiết bị đường cáp quang và cung cấp dịch vụ đường truyền cáp quang, cung cấp các giải pháp ICT dựa trên kinh nghiệm và năng lực thực tế của NTT East tại Nhật Bản…
Thành phố mới đã làm tốt vai trò hạt nhân kết nối, đô thị trung tâm trong phát triển kinh tế cân bằng. Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, đặc biệt việc phát triển WTC Bình Dương đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển hệ sinh thái dịch vụ mới gắn liền chặt chẽ với chiến lược phát triển thông minh của TP.Thủ Dầu Một.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV WTC Bình Dương (WTC BD), cho biết WTC BD đã và đang là một kênh hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển, thu hút các hoạt động kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tìm kiếm thị trường, gặp gỡ đối tác và phát triển kinh doanh… Đặc biệt WTC BD còn tạo điều kiện để các DN đổi mới sáng tạo, DN công nghệ bước ra thế giới và kết nối chuỗi cung ứng chất lượng cao toàn cầu.
Quý I-2024, tình hình kinh tế TP.Thủ Dầu Một tăng trưởng ổn định, riêng lĩnh vực TM-DV có sự tăng trưởng tích cực. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 8.327 tỷ đồng, tăng 27,66% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 27,68%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,42%.