TP Thủ Đức: Hẻm ngập triền miên, người dân bỏ nhà đi thuê trọ

Hẻm 789, phường Tam Bình, TP Thủ Đức liên tục ngập khiến đời sống của người dân đảo lộn, nhiều hộ dân đã bỏ nhà cửa đi thuê trọ sinh sống vì 'hết chịu nổi'.

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại khu dân cư hẻm 789 tỉnh lộ 43, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM phải chịu cảnh nước ngập sâu, tràn vào nhà, môi trường ô nhiễm, đời sống bị đảo lộn.

 Khu dân cư hẻm 789 thường xuyên ngập úng

Khu dân cư hẻm 789 thường xuyên ngập úng

 Nước ngập cả vào nhà trọ.

Nước ngập cả vào nhà trọ.

Nhiều hộ dân phải rời bỏ ngôi nhà của mình

Tìm đến khu dân cư hẻm 789 vào một buổi trưa nắng gắt, PV PLO bắt gặp hình ảnh nơi đâu cũng có nước, nước ngập bao quanh hàng chục căn nhà. Người dân cho biết nhiều ngày gần đây khu vực này không mưa nhưng đường vẫn ngập.

 Trời nắng gắt nhưng nước vẫn ngập gần đầu gối.

Trời nắng gắt nhưng nước vẫn ngập gần đầu gối.

 Người dân phải đổ xà bần để có đường cho xe chạy.

Người dân phải đổ xà bần để có đường cho xe chạy.

Hẻm 789 nằm lọt thỏm bên cạnh khu dân cư chợ nông sản Thủ Đức, thấp hơn nhiều so với các tuyến đường lân cận. Nhìn từ xa, khó ai tin rằng khu vực này trước đây là nơi sinh sống của khoảng 50 hộ dân với nhiều khoảng đất rộng rãi để trồng cây, vườn tược màu mỡ.

Giờ đây, bủa vây các ngôi nhà này là nước, rác thải ứ đọng bốc mùi hôi thối, cây cối chết hàng loạt, các khoảng đất trống biến thành ao cho các loại rau, cỏ dại sinh sôi.

 Người dân sinh sống bên cạnh dòng nước đen kịt.

Người dân sinh sống bên cạnh dòng nước đen kịt.

 Nước ngập bao quanh các căn nhà.

Nước ngập bao quanh các căn nhà.

Ông Trương Minh Hoàng, người dân sinh sống tại hẻm 789 từ nhỏ, cho biết khu vực này trước kia khi có mưa lớn hay mưa nhỏ đều ngập, nhưng chỉ trong thời gian ngắn là nước thoát ra bên ngoài, người dân sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên những năm trở lại đây, tình trạng nước thoát sau mưa ngày càng chậm, sau đó là không thể thoát gây nên những ao tù, nước đọng như hiện nay.

 Đường đi biến mất do nước ngập.

Đường đi biến mất do nước ngập.

 Cây cối của người dân chết hàng loạt.

Cây cối của người dân chết hàng loạt.

“Ở đây chúng tôi đã ít nhất 3 lần phải nâng nền nhà với số tiền hàng trăm triệu, đổ xà bần để có đường cho xe chạy, bắc nối ghế đá để di chuyển tại một số khu vực nước không thể thoát. Một số hộ không chịu được cảnh ngập đã phải dọn ra ngoài thuê trọ hoặc chuyển đến nơi khác sinh sống” - ông Hoàng nói.

 Nhiều căn nhà đóng cửa im ỉm.

Nhiều căn nhà đóng cửa im ỉm.

 Người dân bắc ghế đá để di chuyển.

Người dân bắc ghế đá để di chuyển.

Chỉ tay vào một căn nhà cửa đóng im ỉm, ông Hoàng cho biết có một hộ dân lo ngại về nguy cơ dây điện ngầm khi bị ngập nước sẽ nguy hiểm nên để lại hết đồ đạc, chuyển ra ngoài thuê trọ sống. Một số người khác cũng phải rời bỏ nhà cửa vì mệt mỏi với việc thường xuyên kê nới và thay đồ đạc bị hỏng do tình trạng ngập triền miên.

 Nước ngập quanh năm khiến tường nhà ẩm mốc.

Nước ngập quanh năm khiến tường nhà ẩm mốc.

Sống ngay tại vùng ngập sâu nhất, bà Võ Kim Hoàng cho biết khu vực này không chỉ ngập do mưa mà còn do nước thải thoát ra từ cống ở khu dân cư bên cạnh. Nhiều năm nay, bao phủ căn nhà của bà là dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Sẽ có biện pháp căn cơ, xóa ngập cho khu vực

Trao đổi với PLO, ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình, thời gian qua phường luôn chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ người dân sinh sống tại khu dân cư hẻm 789.

Phường đã nhiều lần bố trí lực lượng hỗ trợ người dân kê đồ đạc mỗi khi mưa lớn. Đồng thời, phường cũng lắp đặt máy bơm, hỗ trợ thoát nước, giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp tạm thời trong khi chờ giải pháp căn cơ của các cấp chính quyền.

 Khu vực sinh sống của hàng chục hộ dân giờ là ao hồ, rau muống phủ kín.

Khu vực sinh sống của hàng chục hộ dân giờ là ao hồ, rau muống phủ kín.

Khu dân cư hẻm 789 hiện hữu chưa có hệ thống thoát nước dẫn đến nước mưa, nước sinh hoạt theo kênh rạch chảy về hệ thống thoát nước của dự án khu dân cư chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Tuy nhiên, hệ thống cống của dự án này đang bị tắc dẫn đến tình trạng ngập cả khu vực. Phường đã nhiều lần yêu cầu đơn vị liên quan xuống làm việc tuy nhiên đơn vị này đã phản hồi không có khả năng giải quyết ngập cho khu vực trên.

 Do nước ngập triền miên, nhà của ông Chín sụt lún, e ngại nhà sập, ông đã chủ động tháo dỡ nhà cửa.

Do nước ngập triền miên, nhà của ông Chín sụt lún, e ngại nhà sập, ông đã chủ động tháo dỡ nhà cửa.

 Ông Chín chủ động cất tạm chòi trong khi chờ xây nhà mới.

Ông Chín chủ động cất tạm chòi trong khi chờ xây nhà mới.

Về vấn đề này, UBND TP Thủ Đức cho biết hẻm 789 là một trong những điểm ngập phức tạp. Nhiều năm qua, có khoảng 43 hộ dân bị ảnh hưởng vì nước ngập mỗi khi mưa lớn, nhiều nhà ngập sâu hơn 1m, đồ đạc hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.

 Một số ngôi nhà phải đóng cửa, chủ đi vắng do nước thường xuyên ngập vào trong.

Một số ngôi nhà phải đóng cửa, chủ đi vắng do nước thường xuyên ngập vào trong.

Hiện trạng khu vực hẻm 789 có diện tích khoảng 1,79ha, cao độ trung bình 1,2m, thấp hơn nhiều so với các tuyến đường lân cận. Bên cạnh đó, hẻm có chiều ngang từ 2,25m-6,22m, cống thoát nước xuống cấp, các tuyến mương thoát nước xen kẽ bị đất cát bồi lắng dẫn đến thường xuyên ngập khi mưa lớn.

Chính vì vậy, TP Thủ Đức đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo hẻm 789, đưa vào chương trình giảm ngập giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức đang cân đối nguồn vốn bố trí cho dự án để xúc tiến xây dựng trong thời gian sớm nhất, cải thiện đời sống cho người dân.

NHƯ NGỌC - HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-thu-duc-hem-ngap-trien-mien-nguoi-dan-bo-nha-di-thue-tro-post813758.html