TP Thủ Đức: Tuần đầu hoạt động thông suốt
Đến ngày 29/1 là tròn 1 tuần TP Thủ Đức, thuộc TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động, ghi nhận từ một số khu vực cho thấy, mọi hoạt động đang thông suốt, không có xáo trộn nào đáng kể.
Không có xáo trộn nào đáng kể
Tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức cũ), theo bà Mai Thị Xuân Hồng - Bí thư Đảng ủy Phường cho biết, việc chuyển từ phường thuộc quận lên phường thuộc TP gần như không gây ra biến động nào, đến nay mọi việc vẫn diễn ra rất bình thường. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân không có xáo trộn. Đối với những hồ sơ cần phải chuyển lên trên để xử lý như cấp phép xây dựng, nhà đất, phường sẽ chuyển về khu vực III (quận Thủ Đức cũ) TP Thủ Đức, sau đó sẽ nhận kết quả về và trả cho người dân tại bộ phận một cửa của phường.
Ở cấp độ TP, theo ông Trần Quang Đăng – bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính, TP Thủ Đức, sau 1 tuần hoạt động hầu như không có xáo trộn đáng kể nào. Trong ngày 27/1, tiếp nhận 75 hồ sơ các loại và trả ra 165 hồ sơ, trong đó hồ sơ liên quan đến đất đai, xây dựng chiếm 160 hồ sơ, so với trước đây, số lượng hồ sơ có tăng nhưng không đáng kể.
Cũng theo ông Trần Quang Đăng, hiện tại việc tiếp nhập và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân được chia làm 3 khu vực.
Người dân trên địa bàn TP Thủ Đức có thể chọn nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng... có thể nộp ở bất cứ khu vực nào. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, vẫn sẽ được chuyển về từng khu vực để xử lý. Hồ sơ hành chính sau khi được xử lý ở khu vực sẽ chuyển hồ sơ về điểm tiếp nhận để trả cho người dân.
"Lãnh đạo TP Thủ Đức có quán triệt, phải tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân không có gián đoạn, nếu trong quá trình xử lý có vướng mắc sẽ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Đối với một số khu vực có sáp nhập phường, có một số thay đổi về đơn vị hành chính, cán bộ sẽ giải thích cho người dân hiểu", ông Đăng cho biết thêm.
Có thể có rắc rối về vấn đề hộ khẩu
Theo một chuyên viên, việc sáp nhập 3 quận để hình thành TP Thủ Đức trong thời gian tới có thể có một số vấn đề phát sinh liên quan đến sổ hộ khẩu.
Theo quy định của pháp luật, hiện nay, sổ hộ khẩu là thành phần rất quan trọng để hoàn thiện gần 30 thủ tục hành chính khác nhau. Trong đó, có những thủ tục rất quan trọng và phổ biến trong đời sống hàng ngày như công chứng mua bán nhà đất và các thủ tục liên quan đến nhà đất; hợp đồng thế chấp vay ngân hàng; thừa kế bất động sản; đăng ký phương tiện; cấp hộ chiếu; căn cước công dân... Các thủ tục hành chính này bắt buộc phải có sổ hộ khẩu mới có thể thực hiện được.
Trong khi đó, việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu (theo Luật Cư trú) chỉ được áp dụng từ đầu năm 2023, có nghĩa là vẫn còn 2 năm (2021 và 2022), phải sử dụng sổ hộ khẩu như một thành phần bắt buộc trong hồ sơ xin cấp mới, cấp đổi giấy tờ, xác nhận, đề nghị.
Người dân TP Thủ Đức hiện nay vẫn đang sử dụng sổ hộ khẩu được cấp theo 3 quận: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nếu người dân có phát sinh các hoạt động cần sử dụng sổ hộ khẩu như một thành phần của hồ sơ, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến ngân hàng có thể sẽ gặp trục trặc vì đơn vị hành chính trong sổ hộ khẩu (quận) không còn khớp với đơn vị hành chính mới (TP). Mặt khác, các quận 2, quận 9, Thủ Đức không còn tồn tại.
Cũng theo vị chuyên viên này, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội là vấn đề quá mới. TP Thủ Đức chưa được cập nhật trên dữ liệu hành chính quốc gia. Vì vậy, nếu người dân TP Thủ Đức nếu phát sinh các hoạt động liên đến công chứng ở các tỉnh thành bên ngoài TP Hồ Chí Minh cũng có khả năng gặp trục trặc. Cách giải quyết vấn đề là cần phải đổi sổ hộ khẩu trước khi có nhu cầu sử dụng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-thu-duc-tuan-dau-hoat-dong-thong-suot-408436.html