TP.Thuận An: Doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, bắt nhịp phát triển
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.Thuận An đã ổn định hoạt động trở lại, đồng thời tăng tốc sản xuất để kịp giao những lô hàng đầu năm mới, phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhiều DN đến nay đã có đơn hàng đến hết quý II-2022.
Đầu tư dây chuyền công nghệ mới để thích ứng và phát triển đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thuận An áp dụng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam, KCN VSIP 1, TP.Thuận An
Tăng tốc sản xuất
Bên dây chuyền sản xuất đang vận hành, ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam, KCN VSIP 1, phấn khởi chia sẻ: “Ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, những ngày đầu năm số lượng người lao động đến làm việc hơn 80% tổng số lao động của công ty. Đến nay, 100% công nhân đã trở lại, hăng hái làm việc. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng với nỗ lực của ban lãnh đạo và toàn thể người lao động, đơn vị duy trì tốt sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động”. Ông Lương cho biết thêm, thời gian qua, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, công ty đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Esquel Việt Nam đã đầu tư dây chuyền thiết bị tự động và bán tự động ở các khâu như gập, làm phẳng vải, cắt, may và in, thêu, dập nút tự động. Từ đó, giảm phụ thuộc vào tay nghề của công nhân, giúp nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Ông Lương cho biết: “Năm 2022, tình hình có chiều hướng cải thiện rõ và thuận lợi hơn. Đơn hàng của công ty tăng cao và có thêm nhiều khách hàng mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài những khách hàng truyền thống như Michael Korse, Banana Republic, Calvin... Đến nay, công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 6-2022. Năm 2022, công ty kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ thuận lợi. Hiện công ty đang tăng tốc sản xuất để bảo đảm hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng”.
Là một trong những ngành hàng truyền thống, chủ lực của TP.Thuận An, hiện các DN ngành gốm sứ trên địa bàn đã ổn định sản xuất, nhiều DN đơn hàng đã kín đến quý III-2022. Bên cạnh những tín hiệu vui và được kỳ vọng nhiều trong năm, DN vẫn còn nhiều nỗi lo trước dịch bệnh Covid-19. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, TP.Thuận An, cho biết: “Năm 2021, để duy trì chuỗi sản xuất, giữ chân khách hàng và người lao động, công ty đã nỗ lực đầu tư công nghệ. Bước sang năm 2022, mặc dù công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 10, tình hình sản xuất đi vào ổn định, song tôi vẫn lo lắng về tình hình dịch bệnh Covid-19 với nhiều biến thể, diễn biến phức tạp”.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Mặc dù Bình Dương đã trở thành vùng xanh, tuy nhiên không vì thế các DN trên địa bàn TP.Thuận An lơ là, buông lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngược lại, các DN đã chủ động phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm, tổ chức xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc; đồng thời chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh.
Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng khối kỹ thuật Công ty Showa Gloves, cho biết: “Công ty đã đi vào ổn định sản xuất. Mọi người rất vui khi quay lại làm việc đầu năm mới và luôn nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh Covid-19”. Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam, cho biết: “Ngoài thực thông điệp “5K” của Bộ Y tế, công ty yêu cầu công nhân chủ động test để bảo đảm sức khỏe của cá nhân và an toàn cho công ty. Chi phí test công ty sẽ chuyển khoản cho công nhân. Trường hợp bị F0, công ty bảo đảm công nhân được hưởng đầy đủ quyền lợi từ chữa trị đến cách ly”.
Với sự trở lại mạnh mẽ của cộng đồng DN trên địa bàn, cùng sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, kỳ vọng TP.Thuận An sẽ có một năm thuận lợi hơn để hoàn thành những mục tiêu phát triển đã đề ra.
Sau một năm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng từ 10 - 15%. Con số này đặt trên cơ sở số lượng đơn hàng của hầu hết DN đều có đến hết quý I, quý II, uy tín của ngành dệt may Việt Nam được khẳng định. Các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã tái cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm và đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để tăng năng suất, đồng thời khai thác tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng... Đây là nền tảng để dệt may Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển trong năm 2022.