TP Vinh sớm xã hội hóa làm vỉa hè
Mới đây, thị trấn Ngọc Lặc thuộc huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã vận động người dân sống ở hai bên Quốc lộ Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15 lát vỉa hè bằng đá trắng theo hình thức xã hội hóa. Trên cơ sở người dân góp 50% và nhà nước (thị trấn, huyện) hỗ trợ 50% giá trị công trình; người dân còn tham gia quá trình giám sát từ mua vật liệu đến thi công…
Công trình đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, buôn bán cũng như mỹ quan của thị trấn. Đến nay, thị trấn Ngọc Lặc đã xã hội hóa làm được 13 km vỉa hè trên hai tuyến quốc lộ, đoạn qua thị trấn.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Ngọc Lặc cho biết, gia đình chị chỉ bỏ ra hơn năm triệu đồng để cùng địa phương lát 15 m2 vỉa hè (3m x 5m) ở trước nhà bằng đá thay cho nền xi măng xấu xí trước đây. Từ khi cả thị trấn lát vỉa hè bằng một loạt đá trắng trông phố phường sạch sẽ, đáng yêu hơn và buôn bán cũng thuận lợi hơn. Chị Hoa còn cho biết, ở các xã miền núi phía tây của huyện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn mà nhiều gia đình góp từ 5 đến 10 triệu đồng, thậm chí có nhà góp từ 20 đến 30 triệu đồng xây dựng nông thôn mới, cụ thể là làm đường bê-tông đi qua nhà để phục vụ việc đi lại; còn mình ở đây, đường quốc lộ đi qua thuận lợi, sao không đóng góp cùng nhà nước làm vỉa hè cho đẹp!.
Từ việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An, cũng như việc làm vỉa hè ở thị trấn Ngọc Lặc nghĩ về việc xã hội hóa làm vỉa hè ở TP Vinh (Nghệ An). Hiện nay, TP Vinh đang chỉnh trang lại vỉa hè, như lát vỉa hè bằng đá trắng, thay lớp gạch block bong tróc, cũ kỹ; trồng lại hệ thống cây xanh ở một số tuyến đường được quy hoạch làm phố đi bộ, như Cao Thắng, Hồ Tùng Mậu… trông rất bắt mắt, góp phần nâng tầm đô thị văn minh, thành phố đáng sống. Thiết nghĩ, thời gian tới, TP Vinh nên vận động người dân ở dọc các tuyến phố, đóng góp 50 đến 70% giá trị công trình để cùng thành phố làm vỉa hè bằng đá trắng như thị trấn Lang Chánh đang triển khai. Trên cơ sở quy hoạch chuẩn về làm vỉa hè, trồng cây xanh của thành phố, bà con trên từng tuyến phố lập ban chỉ đạo, vận động người dân tự nguyện đóng góp, tiến hành giám sát việc mua vật liệu, giám sát thi công, công khai tài chính… Không chỉ làm vỉa hè mà có thể lồng ghép xã hội hóa trồng cây xanh theo đúng quy hoạch. Thành phố triển khai thí điểm ở một số tuyến phố, sau đó tiến hành nhân rộng. Thành phố chỉ đầu tư 100% giá trị công trình vỉa hè ở những tuyến phố đi qua các cơ quan nhà nước, trường học, đơn vị vũ trang… Tổ dân phố và người dân còn có trách nhiệm bảo quản những đoạn vỉa hè xã hội hóa đầu tư này. Hiện nay, trên một tuyến phố ở thành phố Vinh, người dân đã tự bỏ tiền ra làm vỉa hè bằng đá trắng, bằng gạch các loại, không tạo nên sự thống nhất.
Thiết nghĩ, không chỉ TP Vinh mà các đô thị khác trong cả nước, các địa phương cũng nên vận động người dân cùng đóng góp với nhà nước, đầu tư làm các tuyến vỉa hè đạt chuẩn chất lượng và thẩm mỹ. Tránh tình trạng, nơi người dân có đời sống khá, thu nhập cao, lại được bao cấp việc chỉnh trang vỉa hè, làm đường giao thông…; nhưng lại xã hội hóa nơi người dân còn nhiều khó khăn, có thu nhập thấp, nhằm tạo sự công bằng xã hội.