TPHCM: 2 trường công lập tổ chức đi nghỉ mát không đấu thầu, Hiệu trưởng nói gì?

Hai trường trung học phổ thông là Trường Trần Quang Khải, Bình Hưng Hòa tổ chức cho giáo viên đi đi nghỉ dưỡng mà không đấu thầu.

Giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải, Bình Hưng Hòa chuyển thông tin phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, hai trường này vừa tổ chức cho giáo viên đi nghỉ dưỡng hè, nhưng lại không tổ chức đấu thầu.

Hai trường tổ chức cho giáo viên đi nghỉ dưỡng mà không đấu thầu

Tại Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải (Quận 11), từ ngày 25 đến 27/5/2024, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên và người thân của trường này đã thực hiện chuyến đi tham quan, nghỉ dưỡng năm 2024 (3 ngày, 2 đêm) tại Khu du lịch Tà Cú – Biển Kê Gà (Bình Thuận).

Giá trị tour này được thông báo là 4 triệu đồng/người lớn, trẻ em được tính giá bằng 50% của người lớn.

Tổng cộng chuyến đi này có 159 người lớn, trẻ em tham gia. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đi chuyến đi này là hơn 100 người.

 Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Theo giáo viên nhà trường, đây là chuyến đi tham gia, nghỉ mát hàng năm của giáo viên trong trường, được thống nhất ghi trong Quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm, trích từ nguồn quỹ phúc lợi của nhà trường.

Thế nhưng, theo phản ánh của giáo viên, dù tổng giá trị của chuyến đi này là hơn 400 triệu đồng, nhưng nhà trường hoàn toàn không tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.

Tại Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân), từ ngày 23 đến 26/5/2024, các cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng với người thân của họ cũng vừa hoàn thành chuyến đi tham quan, nghỉ dưỡng hè năm 2024 tại Đảo Bình Hưng (Cam Ranh, Khánh Hòa) và Ninh Chữ (Ninh Thuận).

 Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân (ảnh minh họa: H.L)

Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân (ảnh minh họa: H.L)

Thời gian đi của chuyến đi này là 4 ngày 3 đêm, đi bằng xe ô tô. Số lượng nhân sự của trường tham gia vào chuyến đi này là vài chục người, chưa kể người thân đi cùng.

Giá trị của chuyến đi này là 5.790.000 đồng/khách, 6.250.000 đồng/khách (chưa bao gồm thuế VAT), tùy theo người đi có muốn ra đảo Bình Hưng chơi hay không thì đóng thêm phí.

Cũng giống như Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải, giáo viên nói, lãnh đạo Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa cũng không tổ chức đấu thầu theo đúng quy định, dù rằng tổng giá trị của chuyến đi là từ 100 triệu đồng trở lên.

Giáo viên băn khoăn: “Không hiểu vì lý do gì, Luật Đấu thầu năm 2023 đã chính thức có giá trị áp dụng từ ngày 1/1/2024, nhưng không rõ vì sao cả hai trường lại không tổ chức đấu thầu theo đúng quy định?”

Hiệu trưởng hai trường nói gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tấn Tài – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải (Quận 11) xác nhận: “Đúng là nhà trường vừa hoàn thành việc tổ chức cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đi tham quan, nghỉ dưỡng năm 2024”.

Về lý do không tổ chức đấu thầu công khai chuyến đi này, thầy Nguyễn Tấn Tài giải thích: “Do chuyến đi này đã được ghi trong kế hoạch năm học 2023 – 2024, có từ đầu năm học rồi, còn Luật Đấu thầu phải đến 1/1/2024 mới chính thức áp dụng nên trường chưa tổ chức đấu thầu”.

Chuyến đi này, người lao động của trường không phải đóng thêm tiền, mà trường chi trả hết.

Thầy Nguyễn Tấn Tài nhấn mạnh: “Bắt đầu từ năm 2024, trường sẽ tổ chức đấu thầu hết”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Theo đúng kế hoạch năm học 2023 – 2024 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành theo Quyết định 3260/QĐ-UBND ngày 5/8/2023, thì phải đến ngày 25/5 học kỳ 2 mới kết thúc. Tổng kết năm học từ ngày 26 đến 31/5/2024. Vì sao nhà trường lại làm sớm hơn lịch quy định?”

Thầy Nguyễn Tấn Tài – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải giải thích: “Trường tổ chức tổng kết năm học vào ngày thứ 6 (24/5), bắt đầu đi nghỉ mát từ thứ 7 (25/5) đến thứ 2 (27/5) về.

Trường từ trước đến nay cũng không có lịch học vào sáng thứ 7. Tranh thủ đi sớm cho giáo viên về làm công tác tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tháng 6, tháng 7 giáo viên về quê. Hoàn toàn không có chuyện cắt xén chương trình học”.

Về vấn đề không tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2023 quy định, thầy Nguyễn Tấn Tài khẳng định là việc này chưa đúng với quy định.

Còn tại Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân), thầy Nguyễn Duy Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Giáo viên, nhân viên của trường cũng vừa đi nghỉ dưỡng đảo Bình Hưng, Ninh Chữ về.

Thế nhưng, toàn thể ban lãnh đạo nhà trường không đi nghỉ cùng với giáo viên trong đợt này, do bận tham gia tập huấn thi tuyển sinh vào lớp 10”.

“Tổng số người lao động của trường đi trong đợt này là hơn 50 người, chưa kể người thân của họ. Nhân sự của trường là 110 người, nhưng đợt này chỉ đi gần một nửa. Người lao động được trường chi mỗi người 5 triệu đồng, còn lại thì phải đóng thêm phần dư” – thầy Nguyễn Duy Bình cho biết.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa xác nhận, năm nay không kịp làm thủ tục đấu thầu theo đúng quy định.

Cũng theo thầy Nguyễn Duy Bình, việc tổ chức đầu thầu theo đúng quy định đối với các trường là rất khó, do đây là các gói dịch vụ phải theo nhu cầu của người thụ hưởng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, về mặt nguyên tắc, tất cả các gói mua sắm gì từ 100 triệu đồng trở lên đều phải đấu thầu hết.

Dù vậy, đối với những trường hợp cụ thể thì Sở cần phải kiểm tra lại thì mới biết được sai đúng ra sao.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tphcm-2-truong-cong-lap-to-chuc-di-nghi-mat-khong-dau-thau-hieu-truong-noi-gi-post243067.gd