TPHCM: 350 học sinh tham gia tranh tài cuộc thi The World Scholar's Cup 2021
Sáng 27-3, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã diễn ra vòng loại cuộc thi The World Scholar's Cup 2021. Cuộc thi được tổ chức rộng rãi tại 40 quốc gia trên toàn thế giới nhằm kết nối học sinh giữa các nước, qua đó tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các em.
Năm nay, cuộc thi thu hút 350 thí sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn TPHCM tham dự, trong đó tập trung ở nhóm các trường quốc tế và học sinh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Cuộc thi được tổ chức ở nhiều lĩnh vực gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể thao, âm nhạc. Đặc biệt, tất cả phần thi đều liên quan đến giáo dục STEM (tích hợp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Cuộc thi được tổ chức qua 3 vòng gồm: vòng loại, vòng khu vực và vòng chung kết. Ở vòng loại, thí sinh tham gia tranh tài ngay tại nước sở tại. Kết quả vòng loại sẽ là cơ sở chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất tiếp tục tham gia vòng thi khu vực. Những thí sinh đạt kết quả cao tại vòng thi khu vực sẽ tham dự vòng chung kết thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 11-2021 tại Đại học Yale (Mỹ).
Đặng Phương Anh, học sinh lớp 4B6, Trường Phổ thông liên cấp Vinshool (quận Bình Thạnh) cho biết, để chuẩn bị kiến thức và kỹ năng tham dự cuộc thi, em và các bạn trong nhóm đã luyện tập từ nhiều tháng trước. Cụ thể, các em lên mạng, tìm đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo liên quan các nội dung về khoa học kỹ thuật.
“Nhóm tụi em có 3 thành viên, mỗi bạn phụ trách một nhóm vấn đề khác nhau. Sau đó, cả 3 thành viên đều phải luyện tập kỹ năng thuyết trình và phản biện. Cả nhóm quyết định chọn chủ đề “Trái đất thời điểm hiện tại cần thay đổi những gì” để tập trung làm rõ các vấn đề về khí hậu, thời tiết...”, Phương Anh cho biết.
Chia sẻ vớ PV Báo SGGP, Đặng Phương Anh cho biết đây lần đầu tiên em tham gia sân chơi lớn về nghiên cứu khoa học nên cảm thấy vui và hồi hộp. Qua quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, học sinh này tự nhận xét mình trưởng thành hơn, được bổ sung nhiều kiến thức mới và nhất là hoàn thiện hơn kỹ năng thuyết trình.
Còn với Lý Trí Đức, học sinh lớp 8A7, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), tất cả phần thi đều trình bày bằng tiếng Anh nên đòi hỏi các bạn thí sinh phải có kỹ năng ngoại ngữ tốt. Thêm vào đó, thông qua việc tranh biện, trao đổi về các vấn đề liên quan thực tế giúp các bạn thí sinh đa chiều hơn trong cách nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống.
Theo Trí Đức, em đã chuẩn bị cho cuộc thi từ hơn 2 tháng trước. Từng thành viên trong nhóm đều được phân chia công việc một cách rõ ràng, mỗi bạn tìm hiểu một nhóm chủ đề. Sau đó, cả nhóm đã ngồi lại để cùng bàn bạc, thảo luận để tìm ra góc nhìn chung nhất cũng như những giải pháp xoay quanh chủ đề “Làm thế nào để chất lượng sống trên thế giới được tốt hơn?”.
Nhiều thí sinh cho biết, cuộc thi không chỉ kiểm tra về kiến thức mà còn là nơi học sinh được bàn luận, tranh biện về các vấn đề đang xảy ra trên thế giới, thể hiện tiếng nói của người trẻ trước những vấn đề đặt ra trong xã hội.
Một thành viên trong ban tổ chức cho biết, các thí sinh sẽ trải qua phần thi viết theo đội về các chủ đề do ban tổ chức giao, sau đó tiếp tục tham gia phần thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức và tranh biện với các đội khác cùng tham gia. Sau khi hoàn thành các thử thách, các đội thi tiếp tục trả lời câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết tình huống đặt ra trong thực tiễn.
8 thí sinh đạt điểm cao nhất qua các phần thi sẽ được chọn tham gia thi tranh biện tại hội trường, kết hợp trình diễn các tiết mục năng khiếu (hát, nhảy, chơi nhạc cụ...).