TPHCM: 59 tuyến đường bị ngập do mưa lớn

Vào lúc 16h45 ngày 26/9, tại TPHCM xuất hiện trận mưa lớn trên diện rộng khiến 59 tuyến đường bị ngập nặng.

59 tuyến đường tại TPHCM bị ngập nặng trong cơn mưa chiều 26/9

59 tuyến đường tại TPHCM bị ngập nặng trong cơn mưa chiều 26/9

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (Trung tâm Chống ngập), chỉ trong 90 phút đồng hồ, lượng mưa đã đạt phổ biến từ 101-204,3 mm. Cụ thể, đường Mạc Đĩnh Chi lượng mưa đạt 204,3 mm, Tân Sơn Hòa 170,3 mm, khu vực Thanh Đa 172,2 mm, Lý Thường Kiệt 169,4 mm, Quang Trung 140,8 mm, Cầu Bông 133,3 mm, Phước Long 115,4 mm, Phan Văn Khỏe 101,0 mm...

Sau trận mưa, toàn Thành phố đã xảy ra ngập úng tại 59 tuyến đường, mức nước ngập từ 0,1-0,35 m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 15.000 m2. Thời gian nước rút từ 15 phút đến 2 giờ sau mưa.

Tình trạng ngập diễn ra tại nhiều khu vực, thậm chí xảy ra ở nhiều tuyến đường ở Quận 1 và Quận 3, những nơi rất ít bị ngập nước khi mưa to.

Riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa từ 16h30-17h50, lượng mưa lên đến 170,3 mm và gây ngập cục bộ tại bãi đậu máy bay số 11, 12, 13, 14, 15 với độ sâu ngập 30 cm, khoảng 1 giờ sau mưa nước mới rút.

Mặc dù lượng mưa lớn, nhưng theo đánh giá của Trung tâm Chống ngập, tình trạng ngập do mưa tại sân bay Tân Sơn Nhất đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26/8 vừa qua do sân bay đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước.

Cũng theo Trung tâm Chống ngập, đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, lượng mưa vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước (tuyến cống cấp 2, vũ lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70 mm).

Về nguyên nhân gây ngập, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, trận mưa chiều 26/9 là trận mưa cực đoan, nên một số tuyến đường dù đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng vẫn bị ngập như đường Phan Xích Long, Trường Sơn, song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...

Bên cạnh đó, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến, nhưng xử lý chậm là những nguyên nhân chính gây ngập trên diện rộng.

Nhằm hạn chế ngập, trước mắt, ông Dũng cho rằng, cần đẩy nhanh duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh rạch có trọng tâm, trọng điểm; tập trung những vị trí có khả năng gây ngập, khu vực đông dân cư, chợ, buôn bán, khu vực có nhiều công trình xây dựng.

Tổ chức trực mưa, triều cường thường xuyên, có kế hoạch ứng cứu cụ thể cho từng vị trí có khả năng bị ngập nhằm kịp thời đưa phương tiện, nhân lực để ứng cứu. Huy động lực lượng và máy bơm của lực lượng phòng cháy chữa cháy, các đơn vị công ích tham gia ứng cứu khi xảy ra ngập nặng nhằm giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập, không để xảy ra thiệt hại đối với an toàn, sức khỏe, tài sản của người dân.

Một số hình ảnh ngập úng trên địa bàn quận Thủ Đức và Bình Thạnh trong tối 26/9:

Tin và ảnh: Nam Đàn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/tphcm-59-tuyen-duong-bi-ngap-do-mua-lon/287556.vgp