TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội: Bảo vệ lợi ích lâu dài
Từ 0 giờ ngày 31/5, TPHCM sẽ áp dụng Chỉ thị 15, giãn cách xã hội cho toàn thành phố, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày.
TPHCM hiện có gần 50 điểm phong tỏa do liên quan đến COVID-19. Ảnh: U.P
13 ca mắc/1 triệu dân
Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã họp khẩn với lãnh đạo TPHCM về tình hình dịch COVID-19 sau khi thành phố ghi nhận thêm hàng chục ca mắc COVID-19 thuộc chuỗi lây liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Qua xét nghiệm tầm soát diện rộng với công suất hơn 100.000 mẫu/ngày, ngành y tế liên tục phát hiện nhiều ca nhiễm mới. Hiện nay thành phố đã có 13 ca/1 triệu dân. Đây là tình trạng đáng báo động”.
Về số ca nhiễm, ông Bỉnh thông tin có 379 ca COVID-19, trong đó có 177 ca lây trong cộng đồng. Có 142 bệnh nhân đang được điều trị có sức khỏe ổn định, trừ 1 trường hợp từ An Giang chuyển về còn thở máy. Riêng trong sáng 30/5, TPHCM đã phát hiện thêm 33 trường hợp nghi dương tính SARS-CoV-2, tất cả đều liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. “Mầm bệnh có thể đã có trong cộng đồng, có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn chưa khai báo y tế hết” - lãnh đạo Sở Y tế thông tin.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị thành phố phải đặt câu hỏi tại sao chuỗi Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chỉ trong 4 ngày mà đã lây đến 136 ca và còn bao nhiêu ca âm thầm mà chưa bị truy tới. Ông yêu cầu làm quyết liệt để phát hiện triệt để chuỗi lây nhiễm này, không để lây trong nhà máy, xí nghiệp, trường học.
Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, từ ngày xuất hiện chuỗi lây nhiễm ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đến nay có 44 ca dương tính, 9 mẫu gộp đã dương tính và đang xét nghiệm mẫu đơn để chờ kết quả. Số F1 hiện nay đã cách ly là 125 người; F2 là 272 người đang theo dõi tại 10 phường. “Gò Vấp có 16 phường nhưng 10 phường có ca F2 để theo dõi” - vị này nói và cho biết thêm, khi phát hiện có ca nhiễm, quận đã thần tốc tốc cách ly, điều tra, truy vết, khoanh vùng và cùng Sở Y tế TPHCM lấy xét nghiệm toàn phường 15 và phường 9; trong sáng 30/5 lấy mẫu xét nghiệm toàn phường 3 và chiều lấy xét nghiệm toàn phường 5.
Liên quan đến chợ đầu mối, đại diện Sở Công Thương TP cho rằng khó kiểm soát hết vì lượng người ra vào rất đông. “Mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt xe và 20.000 lượt người ra vào. Do đó, việc kiểm soát khá phức tạp” - đại diện Sở Công thương TP nói và cho biết thêm, đơn vị này đang tăng cường kiểm soát và hướng dẫn các chợ xây dựng kịch bản nếu có vấn đề phát sinh.
“Lượng hàng tại 3 chợ đầu mối đáp ứng 70% thị trường Thành phố nên có chuyện xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Sở Công thương đã yêu cầu các chợ đóng lối nhỏ, tập trung lối chính. Tăng cường camera để nếu phát hiện ca lây nhiễm thì truy vết thuận lợi, bố trí phòng cách ly tạm thời và khuyến cáo các chợ đầu tư máy quét để kiểm tra thân nhiệt tự động. Sở Công Thương kiến nghị thành phố yêu cầu người dân hạn chế đi mua sắm ở các chợ. Đề nghị quận/huyện có chợ đầu mối tăng cường kiểm tra, kiểm soát” - vị này chia sẻ.
Hy sinh để bảo vệ lợi ích lâu dài
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, toàn địa bàn TPHCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính Phủ. “Chỉ thị 15 nói không tụ tập hơn 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Nhưng đề nghị Sở Y tế nghiên cứu không phải 10 người, mà chỉ 5 người và cần tăng cường một số biện pháp” - ông Phong giao nhiệm vụ. Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 31/5/2021.
Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) phải phong tỏa kể từ 0 giờ ngày 31/5/2021, áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16. Theo đó, hộ gia đình giãn cách theo hộ gia đình, khu phố giãn cách khu phố, phường giãn cách phường.
Song song đó, người đứng đầu thành phố yêu cầu lấy mẫu diện rộng. Trước hết là lấy mẫu ngay các tổ công tác bầu cử và hội viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, ông Phong yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm tất cả công nhân viên khu này với khoảng 280.000 lao động và 3.000 chuyên gia.
Hoan nghênh sự nỗ lực, cố gắng hết mình của các lực lượng những ngày qua, tập trung phối hợp, tổ chức thực hiện phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Suốt thời gian qua TPHCM giữ được nhưng đến nay thì bị “thủng lưới” vì một tình huống phạm luật đặc biệt nguy hiểm. Tình hình đó tạo ra một diễn biến hết sức phức tạp, hết sức khó khăn, đòi hỏi phải tập trung toàn lực, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất và có hiệu quả nhất. Đây là thử thách lớn đối với chúng ta, với từng đồng chí trên từng cương vị, nhưng tôi tin tưởng với tinh thần cao nhất thì chúng ta sẽ chiến thắng”.
Theo ông Nên, tình hình như vậy có thể vượt khả năng, vượt tầm kiểm soát của chúng ta. Tình hình trên đặt cho chúng ta trách nhiệm, đòi hỏi bình tĩnh, chủ động, dự báo sát tình hình, đưa ra giải pháp hiệu quả nhất có thể. “Chúng ta phải chấp nhận giải pháp cách ly, giãn cách trong hai tuần. Chúng ta buộc phải chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.