TPHCM: Bị cáo cầm đầu đường dây mua bán thận qua đời

Tòa án nhân dân TPHCM đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Tôn Nữ Thị Huyền (sinh năm 1975 tại Đồng Nai) - người cầm đầu đường dây mua bán thận, do bị cáo đã qua đời.

Bị cáo Huyền (bìa trái) cùng các đồng phạm.

Bị cáo Huyền (bìa trái) cùng các đồng phạm.

Bị cáo Huyền cũng là bệnh nhân suy thận, từ ngày 24/4 đã được chỉ định chạy thận mỗi ngày.

Với vụ án này, TAND TPHCM dự kiến sẽ đưa ra xét xử vào hai ngày 20 và 21/5. Tuy nhiên, phiên xử này được thông báo hoãn do căn cứ theo Công văn 125 của TAND Tối cao về phòng chống dịch Covid-19, các phiên tòa trên 20 người phải hoãn và chưa có lịch xử mới.

Trước đó, ngày 19/1, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Tôn Nữ Thị Huyền và các đồng phạm bị truy tố về tội mua bán bộ phận cơ thể người theo Điều 154 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tuy nhiên, tại phiên tòa xuất hiện một số lời khai thể hiện các bị cáo bán thận vào năm 2017, trước thời điểm BLHS hiện hành có hiệu lực pháp luật cùng các lý do khác. Do đó, sau một buổi làm việc, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2017 - 21/1/2019, bị cáo Tôn Nữ Thị Huyền đã tìm kiếm được 100 người bán thận đưa đi làm các xét nghiệm. Trong đó, Huyền đã đưa 37 người bán thận sang Campuchia thực hiện phẫu thuật ghép thận. Số nạn nhân còn lại do chưa tìm được người ghép thận phù hợp nên Huyền chưa tổ chức đưa sang Campuchia. Đây là đường dây mua bán thận xuyên quốc gia có sự cấu kết chặt chẽ, phân công vai trò cụ thể.

“Năm 2009, Tôn Nữ Thị Huyền đi Trung Quốc ghép thận nên quen biết Đoàn Thành Nhân (người Việt Nam sống tại Campuchia, chưa rõ lai lịch). Cuối năm 2016, khi Huyền sang Campuchia thì được Nhân giao việc mua bán thận với một bác sĩ tên Trần - người Singapore, làm việc tại Bệnh viện Quân đội ở Phnom Penh (Campuchia).

Trần nói Huyền về Việt Nam tìm người có nhu cầu bán thận, đưa sang Campuchia ghép thận cho người có nhu cầu, với giá từ 15.000 - 17.000 USD/quả thận” - cáo trạng nêu.

Tại phiên xử ngày 19/1, toàn bộ các bị hại đều cho biết tự nguyện bán thận và giá là do Huyền đưa ra. Một số nạn nhân bán xong, chỉ nhận được tiền ứng trước. Sau khi phẫu thuật chưa kịp nhận lại tiền thì các bị cáo đã bị bắt.

Các bị hại cũng nhận thức được việc bán thận là vi phạm pháp luật, nhưng do hoàn cảnh khó khăn mới làm. Nạn nhân đều là nam giới và bán thận đa số là bên phải. Ngoài ra, có 4 bị cáo khai bản thân đều bán thận cho Huyền. Các bị cáo đi bán thận ở bệnh viện tại Campuchia trong vòng 20 - 25 ngày.

Bị cáo buộc là người chủ mưu, nhưng bị cáo Huyền khóc tại phiên xử và cho rằng sức khỏe mình hiện rất yếu. Đồng thời, cho rằng hành động phạm tội của bị cáo xuất phát từ lòng nhân đạo. “Điều bị cáo nói HĐXX có thể thấy phi lý nhưng ẩn chứa nhiều nguyên nhân.

Con đường dẫn tới phạm tội của bị cáo là xuất phát từ lòng nhân đạo dù việc làm bị cáo là vô nhân đạo” - bị cáo Huyền trình bày một cách chậm rãi “Bị cáo cũng là bệnh nhân nên khi những người bán thận tới nói chuyện với bị cáo, bị cáo đắng lòng. Bị cáo làm việc phi pháp nhưng lòng nhân đạo cũng xuất phát từ đó. Bị cáo không ép ai. Đây là một con đường có sẵn do người khác tạo nên”.

Trong số 37 người bán thận đã ghép cho người khác, CQĐT đã xác định được 22 người. Kết luận giám định tỷ lệ thương tật của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an và Trung tâm Pháp y Sở Y tế TPHCM nêu, sau khi cắt 1 quả thận, những người bán thận bị tổn hại sức khỏe từ 45 - 69%.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/tphcm-bi-cao-cam-dau-duong-day-mua-ban-than-qua-doi-vqsRoDqGR.html