TPHCM: Chợ truyền thống siết chặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ người ra vào
Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn… một số chợ truyền thống yêu cầu người dân phải mang theo chứng minh nhân dân kèm thẻ đi chợ mới được vào mua hàng.
Sau thời gian đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch (khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như: Bình Thới, Phú Thọ (Quận 11), Nguyễn Tri Phương (Quận 10) đã hoạt động trở lại, các chợ chủ yếu bày bán các mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống đảm bảo chất lượng, với mức giá bình ổn để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo ghi nhận, các chợ đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát chặt chẽ người ra vào chợ. Tại chợ Bình Thới (Quận 11), ngoài việc đăng ký thẻ, người dân khi đi chợ phải mang theo chứng minh nhân dân để lực lượng quản lý chợ kiểm soát, tránh trường hợp mượn thẻ đi chợ. Trong sáng 19/7, nhiều người dân buộc phải quay về vì quên mang chứng minh nhân dân.
“Phải có chứng minh nhân dân mới vô được, các cô các bác hãy vì sức khỏe cộng đồng”, một cán bộ nói với người dân.
Chợ Bình Thới hoạt động từ 4h sáng 12h trưa, trong đó 4h đến 5h là khoảng thời gian các tiểu thương dọn hàng, từ 5h đến 11h là thời gian người dân đi chợ, sau 11h chợ không tiếp nhận người để tiến hành dọn dẹp, vệ sinh. Trong một thời điểm, chợ không tiếp nhận quá 100 người để kiểm soát và đảm bảo giãn cách.
Trong mùa dịch, ngoài mô hình “ngày bán ngày nghỉ”, chợ Bình Thới sẽ triển khai ứng dụng “Tổng đài tự động đặt lịch đi chợ” để tạo sự thuận lợi cho người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, việc triển khai mô hình đặt lịch đi chợ qua tổng đài sẽ giúp người dân và phía Ban Quản lý tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt đảm bảo việc giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ở chợ Phú Thọ (Quận 11), khoảng 10 tiểu thương được bố trí giãn cách, bày bán các mặt hàng tươi sống, rau củ quả để phục vụ nhu cầu của người dân.
Bà Phạm Hoàng Như Thảo - Phó Ban Quản lý chợ Phú Thọ (Quận 11) cho biết, chợ Phú Thọ có khoảng 100-150 sạp tùy thời điểm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các quầy hàng không thiết yếu đã nghỉ bán, hiện chỉ còn các sạp bán hàng thiết yếu.
“Người dân đến chợ bữa giờ chỉ khoảng 50 người đổ lại, trước mùa dịch thì vài ba trăm người. Tôi thấy việc mở cửa chợ trong giai đoạn này là hợp lý để phục vụ người dân, ai gần chỗ nào có thể tới mua đồ chỗ đó, tránh việc tập trung đông đúc ở một địa điểm”, bà Thảo thông tin.
Theo ghi nhận, lượng người đến chợ Phú Thọ trong sáng 19/7 khá vắng, cô Kiếu (ngụ Quận 11) chia sẻ: "Tôi thi thoảng mới đi mua đồ, vì dịch bệnh nên cũng lo ngại, nay chợ mở cửa lại cũng thấy vui vì đỡ phải đi mua đồ xa".
Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10), người dân vào chợ được yêu cầu xếp hàng giãn cách, khai báo y tế. Chợ cũng trang bị máy rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt tự động để đảm bảo an toàn cho người dân và các tiểu thương trong mùa dịch.
Trong giai đoạn này, chợ phục vụ khoảng 150 người trong cùng một thời điểm. Trước cổng chợ, lực lượng bảo vệ túc trực để nhắc nhở người dân thực hiện việc giãn cách, không để xảy ra tình trạng tập trung quá đông.
Theo Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn Thành phố có khoảng 40/237 chợ đang hoạt động. Hiện tại một số chợ truyền thống cũng triển khai mô hình bán trực tuyến như chợ Phú Lâm, chợ Minh Phụng, chợ Bình Tây, chợ Tân Hòa Đông, chợ Phước Thạnh…
Dự kiến, trong tuần sau, chợ Kiến Thành (quận Bình Tân), chợ Xã Tây (Quận 5), chợ Phú Định, chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Nhật Tảo (Quận 10), chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè)… sẽ mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ người dân.