TPHCM, Đà Nẵng dốc lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Ngày 16/1, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo bộ ngành Trung ương đã đến dự.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 450 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo nhu cầu phát triển, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển hạ tầng Trung tâm tài chính và thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng...
Huy động tối đa nguồn lực
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc lựa chọn TP. Đà Nẵng và TPHCM để xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế là quyết định sáng suốt, tham vọng và rất cần thiết. "Chính phủ và lãnh đạo hai địa phương sẽ nghiên cứu, phân tích kỹ lượng những ý kiến gợi mở tại hội thảo để xây dựng các cơ chế chính sách tối ưu, với kỳ vọng và mong muốn cao hơn là hai Trung tâm Tài chính sẽ trở thành một phần quan trọng của kinh tế thế giới", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP. Đà Nẵng và TPHCM chuẩn bị tốt đội ngũ nhân lực trẻ để đưa đến các trung tâm tài chính lớn thực tập, học hỏi đảm bảo đội ngũ này quản lý, vận hành, xử lý rủi ro, xử lý tranh chấp tại trung tâm tài chính; tập trung việc đi học tập ở các nước, các trung tâm tài chính lớn.
“Đi học hỏi quốc tế là cách chúng tìm người khổng lồ để đứng trên vai họ. Con đường ngắn nhất là đi học các trung tâm lớn, học từ các chuyên gia quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu hai địa phương xây dựng Trung tâm Tài chính mang nét độc đáo, đặc thù, mang nét hấp dẫn của Việt Nam, lan tỏa thông tin về Trung tâm Tài chính của Việt Nam đến các trung tâm tài chính trên toàn cầu.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết: Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp Trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích. Đồng thời, bố trí khu đất 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu Công viên phần mềm số 2, một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ 29 sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết: Xét về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), so với trong khu vực, TPHCM được xếp hạng trên Manila, Bangkok và Kuala Lumpur. TPHCM cũng là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp Fintech, cùng với lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành Trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố, không chỉ là quyết tâm, trách nhiệm mà còn đòi hỏi nỗ lực thực hiện, vừa học vừa làm, phối hợp cùng nhau giữa Trung ương, các Bộ, ngành và các thành phố”, ông Mãi cho biết.
Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết: Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Đây phải là “sân chơi” của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế nhưng cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, ưu tiên chủ quyền, đặt lợi ích quốc gia là trên hết.
Chuyên gia hiến kế
GS. Michael Mainelli - nguyên Thị trưởng Khu Tài chính London (Anh) - cho rằng, trong tầm nhìn cho Trung tâm tài chính cần đổi mới và lấy khách hàng làm trung tâm để tạo ra một môi trường pháp lý và quy định cho phép sự đổi mới bền vững, cân bằng giữa chi phí và bảo vệ quy định. Cùng với đó, cần tăng tính thông minh với khả năng hiểu và quản lý các phương pháp công nghệ tài chính ngày càng phức tạp, nhằm mở ra thị trường mới và cung cấp các dịch vụ cải tiến.
“Cần bao quát các dịch vụ kinh doanh và môi trường quy định công bằng, mở cửa cho mọi người và hỗ trợ những người muốn khởi nghiệp trên thị trường. Xây dựng Trung tâm tài chính mang lại chất lượng sống tốt để thu hút được những người có năng lực cao”, ông Michael Mainelli cho biết.
TS. Vũ Nhữ Thăng - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - đề xuất việc cần áp dụng ngay phương pháp giám sát dựa trên rủi ro. Cụ thể, cơ quan giám sát tài chính sẽ tập trung vào việc đánh giá và phân loại các tổ chức tài chính dựa trên mức độ rủi ro, thay vì áp dụng một phương pháp giám sát đồng nhất.
Theo đó, các tổ chức tài chính sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro để ưu tiên giám sát. Điều này cho phép tối ưu hóa nguồn lực giám sát, đồng thời giảm bớt gánh nặng tuân thủ đối với các tổ chức có rủi ro thấp...
Ông Andy Khoo - Giám đốc điều hành Terne Holdings - cho rằng, để đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính tiếp theo của Đông Nam Á, phải tập trung vào ba trụ cột phù hợp với thế mạnh và cơ hội riêng của mình. "Trung tâm Tài chính Đà Nẵng có thể nổi bật so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác. Tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Khu vực kinh tế đặc biệt và cảng tự do sẽ cung cấp các lợi thế về thuế và giải pháp lưu trữ cho các tài sản có giá trị cao", ông Andy Khoo cho biết.