TPHCM: Đã thành lập 3.226 Tổ liên gia an toàn về PCCC và 3.325 Điểm chữa cháy công cộng
Cần xác định UBND phường, xã, thị trấn là cấp có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Sáng 02/11, tại hội trường Công an TPHCM, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 11/9/2017, Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/3/2018 của UBND TPHCM và quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thành phố.
Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị. Về phía Công an TPHCM, có sự tham dự của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc CATP.
Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết, Chỉ thị số 12/CT-UBND và Chỉ thị số 04/CT-UBND là 2 văn bản quan trọng đối với công tác PCCC và CNCH nói chung và công tác PCCC đối với các khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất chung cư, nhà cao tầng nói riêng.
Trong 5 năm qua, TPHCM xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85,36 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 1.612.828 nhà ở hộ gia đình, có 79.663 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Qua thời gian triển khai đồng bộ, quyết liệt Chỉ thị số 12/CT-UBND, Công an TPHCM đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho 1.934.500 người là thành viên hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Lựa chọn, xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động 3.226 tổ liên gia an toàn về PCCC và 3.325 điểm chữa cháy công cộng. Tổng số nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã có lối thoát nạn thứ 2 là 69.714 cơ sở; 76.940 cơ sở có bình chữa cháy; 76.802 cơ sở đã trang bị phương tiện thoát nạn như búa, rìu, thang dây…
Tổng số nhà ở riêng lẻ đã có lối thoát nạn thứ 2 là 1.268.993; số nhà ở riêng lẻ đã có bình chữa cháy là 1.172.799; số nhà ở riêng lẻ đã trang bị phương tiện thoát nạn như búa, rìu, thang dây… là 1.106.793.
Về kết quả thực hiện Chỉ thị Số 04/CT-UBND, tính đến nay TPHCM đã tuyên truyền các nội dung về PCCC và CNCH cho 10.016 lớp; gọi điện thoại nhắc nhở cơ sở tự kiểm tra an toàn PCCC đối với 124.415 lượt cơ sở. Treo băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền cổ động tăng cường công tác an toàn PCCC và CNCH tại các chung cư và trong ngày lễ kỷ niệm toàn dân PCCC (04/10) hàng năm…
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết, qua khảo sát, kiểm tra, đánh giá, tổng số nhà chung cư hiện có 1.049 cơ sở, trong đó có 531 nhà chung cư vẫn còn tồn tại một số vi phạm như: Không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy, không đảm bảo giải pháp ngăn cháy, không đảm bảo điều kiện thoát nạn, hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo…
Chung cư vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động là 24 cơ sở, trong đó cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư là 14 cơ sở…
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần rà soát, tham mưu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, các lực lượng cần tiếp tục nâng cao năng lực nghiệp vụ; tăng cường sáng tạo, đổi mới các nội dung và hình thức tuyên truyền kiến thức, biện pháp PCCC và CNCH.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đang có nguy cơ về cháy nổ như chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar… UBND phường, xã, thị trấn là cấp có trách nhiệm chính.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố luôn có chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, nhất là khi có liên quan đến đầu tư xây dựng chung cư, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu về nơi ở.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bỏ qua những điều kiện về chất lượng, an toàn khi đầu tư xây dựng các nhà ở chung cư. Theo đó, trong thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản ở nhiều địa phương, gây dư luận bất an trong dân. Riêng địa bàn TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 159 vụ cháy và 268 sự cố cháy được lực lượng tại chỗ kịp thời xử lý ngay từ ban đầu, không để xảy ra thiệt hại.
Từ tình hình thực tế trên, đồng chí Ngô Minh Châu đề nghị lực lượng Công an TPHCM phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện, vũ khí được trang bị; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, chiến đấu.
“Cần xác định UBND phường, xã, thị trấn là cấp có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Công an phường, xã, thị trấn là đơn vị tham mưu cho UBND phường, xã, thị trấn về công tác PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; cảnh sát khu vực là người trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ là nòng cốt của lực lượng PCCC tại chỗ”, đồng chí Ngô Minh Châu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND TP, Công an TP đã tổ chức khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH thời gian qua.