TPHCM dành hơn 12.000 tỷ đồng cải tạo kênh ô nhiễm, xây nút giao thông giảm kẹt xe
Nhằm tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh rạch, xây nút giao thông với tổng kinh phí hơn 12.000 tỷ đồng.
Ngày 22/4, tại kỳ họp lần thứ 25 (kỳ họp cuối cùng của HĐND TPHCM) đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) và dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương- Bến Cát- rạch Nước Lên. Tổng kinh phí dành cho 2 dự án này hơn 12.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã đọc tờ trình đối với hai dự án này để HĐND TPHCM xem xét thông qua. Dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM quản lý, có tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.800 tỷ đồng và của TPHCM là 2.126 tỷ đồng.
Theo ông Võ Văn Hoan, dự án này nhằm tăng cường kết nối cho tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Qua đó góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông này vốn là tuyến đường vận tải quan trọng của TP. Thủ Đức và TPHCM.
Đối với dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương- Bến Cát- rạch Nước Lên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trình bày đây là dự án kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn. Dự án thuộc nhóm A với tổng vốn đầu tư là 8.200 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng và số vốn còn lại từ ngân sách TPHCM.
Dự án này trải dài qua các quận huyện như Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 12 và huyện Bình Chánh với chiều dài hơn 32 km. Trong đó, xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh dài hơn 32,7km bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; nạo vét toàn tuyến kênh. Làm bến thuyền dọc theo tuyến kênh (12 bến); xây dựng đường giao thông dọc 2 bên bờ kênh dài hơn 32,7km với chiều rộng mặt đường từ 8m-12m và 3 cầu dọc theo tuyến. Đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật, chiếu sáng và cầu giao thông… hai bên bờ kênh.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, dự án này nhằm tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông. Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong tương lai.
Cả hai dự án này thực hiện từ năm 2021 đến 2025. HĐND TPHCM đã thông qua và giao UBND TPHCM chịu trách nhiệm về sự chậm trễ so với thời gian và tiến độ thực hiện dự án như đã cam kết.