TPHCM đề xuất chi hơn 75,6 tỷ đồng/năm hỗ trợ người khó khăn

Năm 2024, TPHCM dự kiến dành hơn 75,6 tỷ đồng chăm lo các đối tượng khó khăn không thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ.

Sáng 6-12, HĐND TPHCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 13. Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trình bày tờ trình của UBND TPHCM về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM. Đây là chính sách dành cho các đối tượng không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ.

 Các đại biểu trao đổi trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu trao đổi trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

UBND TPHCM đề xuất, đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố đang sinh sống tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn và xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định chính sách của Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố, được chăm lo, hỗ trợ. Mức hỗ trợ 1,25 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố quy định/người/tháng (gọi tắt là mức chuẩn)

Người từ đủ 60 tuổi trở lên, sống đơn thân/neo đơn hoặc độc thân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ 1,0 lần.

Đối với chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố, người bị bệnh hiểm nghèo; bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác nhưng chưa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng, được chăm lo, hỗ trợ 1,0 lần mức chuẩn.

 Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trừ trẻ em dưới 6 tuổi), hỗ trợ học phí; hỗ trợ 2,5 lần mức chuẩn đối với trẻ dưới 4 tuổi và 1,5 lần mức chuẩn đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.

Ngoài được hỗ trợ thẻ BHYT, học phí, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ được hỗ trợ 1,25 lần mức chuẩn. Trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hay mẹ đang chấp hành hình phạt tù, đi cai nghiện bắt buộc nhận mức hỗ trợ 1,0 lần mức chuẩn. Trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hay đang hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 20 được trợ cấp 1,0 lần mức chuẩn.

Riêng người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi bị khuyết tật nhẹ được cấp thẻ BHYT miễn phí.

TPHCM dự kiến dành hơn 75,6 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ và những đối tượng khó khăn.

Đáng lưu ý, các nhóm trên phải nằm trong diện đã được khảo sát, đánh giá tiêu chí thu nhập theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố.

Theo UBND TPHCM, đại dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả nặng nề. Thành phố có trên 550.000 người mắc Covid-19 và trên 23.000 người tử vong, để lại trên 2.300 trẻ em mồ côi. Ngoài ra, gần 1.000 người cao tuổi phải sống đơn thân và khoảng gần 1.000 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu các nguồn lực vật chất và tinh thần, hiện đang sinh sống tại cộng đồng.

Đề xuất trên của TPHCM nhằm kịp thời hỗ trợ và đảm bảo người cao tuổi, trẻ mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ được chăm lo, hỗ trợ để ổn định cuộc sống, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa những đối tượng này với những người có cuộc sống bình thường tại nơi cư trú được hưởng đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật; đồng thời thể hiện tính nhân văn của thành phố.

NGÔ BÌNH - VĂN MINH - THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-de-xuat-chi-hon-756-ty-dongnam-ho-tro-nguoi-kho-khan-post717123.html