TPHCM đề xuất điều chỉnh quy định diện tích đất bình quân tối thiểu theo đầu học sinh

Chiều 18-8, tại Hội nghị trực tuyến 'Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024' do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã đề xuất Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định diện tích đất tính theo đầu học sinh phù hợp với đặc thù của các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

Theo đó, hiện nay, một số quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp nhiều bất cập, khó khăn. Trong đó, khi lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, TPHCM gặp khó do mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc gia.

Cụ thể, quy định diện tích đất bình quân tối thiểu cho 1 học sinh không phù hợp địa phương đông dân số như TPHCM. Nhiều trường học cũ nếu xây dựng theo tiêu chuẩn mới thì số lượng lớp học sụt giảm nghiêm trọng, học sinh không có chỗ để học, buộc các trường phải sử dụng cơ sở hiện hành để đủ phòng học cho học sinh, gây nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (đứng, bìa trái) phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (đứng, bìa trái) phát biểu tại buổi làm việc

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại tiêu chuẩn, quy định theo tính chất đặc thù của vùng miền, đặc biệt những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất tính diện tích theo đầu học sinh không phải diện tích đất mà là diện tích sàn xây dựng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các đô thị lớn thực hiện chỉnh trang trường lớp, phục vụ nhu cầu học sinh.

Cùng với đó, lãnh đạo TPHCM cũng nhận định, ngành giáo dục hiện chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật; các lực lượng gồm nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán. Để triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần có thêm chính sách thu hút từ bộ, ngành trung ương.

"Năm học 2023-2024, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 87/NQ-CP (ngày 2-6-2023) của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW (ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 (ngày 24-6-2023) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Trên cơ sở đó, ngành giáo dục sẽ đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, góp phần thực hiện trọng tâm xây dựng TPHCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, lãnh đạo và chính quyền thành phố hiểu rõ giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Vì vậy, giúp giáo dục thành phố vượt qua khó khăn, giữ vững được thành tích, chất lượng đào tạo, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố.

Trước đó, trong năm học 2022-2023, với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, ngành giáo dục thành phố đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ.

Trong đó, với mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực, Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho ngành giáo dục thành phố linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học.

Song song đó, thành phố cũng đề ra các chỉ tiêu phát triển, chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo khắc phục các khó khăn, chủ động và sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Hiện nay, thành phố đã xây dựng Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục của Đảng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của cả nước.

Các chương trình, đề án nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục được triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Quang cảnh buổi làm việc chiều 18-8

Quang cảnh buổi làm việc chiều 18-8

Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình, trình tự. Công tác chuẩn bị cho việc giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được các cấp, cơ sở giáo dục coi trọng và thực hiện nghiêm túc từ việc tổ chức thực hiện việc lựa chọn SGK đến tổ chức tập huấn cho giáo viên, công tác chuẩn bị đội ngũ giảng dạy đảm bảo đủ giáo viên dạy các môn học bắt buộc để tổ chức thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.

Thành phố tiếp tục giữ vững thế mạnh trong các lĩnh vực ngoại ngữ, tin học, toán học, thể dục thể thao, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục và đào tạo.

Năm học 2022 - 2023, thành phố triển khai công tác tuyển sinh, phân tuyến học sinh đầu cấp dưới hình thức trực tuyến 100% sử dụng mã định danh cá nhân của học sinh và các thuật toán phân tích không gian địa lý (GIS).

Ngoài ra, thành phố đã hoàn thiện dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo thành phố theo định hướng của chiến lược quản trị dữ liệu; triển khai nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành gồm trục liên thông dữ liệu, kho dữ liệu, trung tâm điều hành, giám sát thông tin (IOC) tại Sở GD-ĐT.

Vừa qua, TPHCM đã hoàn tất hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xem xét, đề cử TPHCM trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm 2023.

Trong tháng 8-2023, ngành giáo dục thành phố cơ bản xây dựng xong dự thảo Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” với mong muốn xây dựng, phát triển mô hình trường học hạnh phúc, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; dự kiến triển khai vào đầu năm học 2023-2024.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-de-xuat-dieu-chinh-quy-dinh-dien-tich-dat-binh-quan-toi-thieu-theo-dau-hoc-sinh-post702122.html