TPHCM đề xuất làm tuyến metro Bến Thành – Tân Kiên 68 nghìn tỷ đồng
Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3A có chiều dài gần 20km, đi qua địa bàn 8 quận huyện, gồm 18 nhà ga với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 313 tỷ Yên Nhật tương đương gần 68 nghìn tỷ đồng.
Chiều 6/5, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) xác nhận UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn Đề xuất dự án đối với Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo nghiên cứu do tư vấn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, dự án có chiều dài toàn tuyến gần 20 km, đi qua địa bàn 8 quận huyện với 18 nhà ga và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 313 tỷ Yên Nhật (tương đương gần 68 nghìn tỷ đồng).
Đơn vị tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 làm đoạn từ Bến Thành đến Bến xe Miền Tây (dài 9.9 km) chủ yếu đi ngầm. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng là từ năm 2025 đến năm 2031. Giai đoạn 2 nối dài tuyến metro từ Bến xe Miền Tây đến Depot Tân Kiên (dài 9.7 km). Đây là đoạn metro đi trên cao, được đầu tư trong giai đoạn 2028 đến năm 2034.
Theo ông Cường, tuyến đường sắt đô thị số 3A là một trong những tuyến đường sắt huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công công khối lượng lớn của TPHCM.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ nối trực tiếp với Tuyến metro số 1 sẽ tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, nối kết khu vực Đông Bắc và Tây Nam Thành phố.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM có 8 tuyến metro. Hiện nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được khẩn trương thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TPHCM khẳng định việc gửi đề xuất Dự án này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của thành phố tiếp tục từng bước hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm tiền đề cho một hệ thống giao thông phát triển bền vững, thành phố văn minh, hiện đại.