TPHCM ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh ho gà trong năm
Ngày 24/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), ca bệnh ho gà đầu tiên trong năm là trẻ nhỏ khoảng 1 tháng tuổi.

Bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. (Ảnh minh họa: ITN).
Cụ thể, ngày 21/7, sau khi tiếp nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế Long Đất phối hợp Trạm Y tế Tam An tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh.
Bệnh nhân là một trẻ nhỏ, hơn 1 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà do chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Hiện, tình trạng sức khỏe trẻ ổn định và xuất viện. Trẻ chỉ tiếp xúc với những người sống chung nhà trong thời gian gần đây.
Theo HCDC, bệnh ho gà lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao ở những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như gia đình, trường học; thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh khởi đầu có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn và ho. Sau đó trẻ ho rũ rượi, liên tục, không thể kìm hãm được, thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm, dãi và nôn.
Bệnh thường diễn tiến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, nhất là ở trẻ chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh và trẻ suy dinh dưỡng.
Vắc-xin là biện pháp quan trọng để phòng bệnh ho gà. Trẻ em thực hiện tiêm chủng bắt buộc theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào thời điểm trẻ 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc trẻ 18 tháng.
Đối với trẻ vị thành niên, nên thực hiện tiêm chủng 1 mũi nhắc khi trẻ được 11-12 tuổi hoặc 10 năm kể từ liều tiêm cuối cùng của vắc-xin có thành phần ho gà để tăng cường khả năng miễn dịch.
Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin trong giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ 3 của mỗi lần mang thai. Việc truyền kháng thể ho gà từ mẹ sang con qua nhau thai giúp bảo vệ chống lại bệnh Ho gà trong giai đoạn đầu đời.
Đồng thời, tất cả người trưởng thành chưa từng tiêm vắc-xin có thành phần ho gà đều nên tiêm chủng, đặc biệt là các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, người chăm sóc chính hoặc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với trẻ chưa được tiêm chủng, nhân viên y tế,... Nên tiêm nhắc lại sau mỗi lần 10 năm để tăng cường khả năng miễn dịch.
Để phòng chống bệnh ho gà hiệu quả, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý một số việc sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ đúng lịch;
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
- Che miệng khi ho, hắt hơi;
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày;
- Giữ nơi ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng;
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phải cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.