TPHCM: Gian nan thanh lý xe 'cà tàng'
Dù công tác tuần tra, xử lý đối với xe 2 bánh tự chế không có biển số, bị cà mất số khung, số sườn, không kính chiếu hậu, không đèn tín hiệu (gọi nôm na là xe '3 không', xe 'mù', xe 'mờ') vẫn được lực lượng chức năng thực hiện, nhưng nhiều chủ cửa hàng, người kinh doanh vẫn tỏ vẻ phớt lờ (!). Nguyên nhân xuất phát từ ý thức tuân thủ luật giao thông đường bộ của chủ sở hữu phương tiện không cao, các chế tài xử phạt còn nhẹ, dẫn đến tâm lý 'lờn mặt' của người vi phạm.
BỊ TẠM GIỮ XE THÌ... BỎ!
Khu vực chợ Kim Biên (Q5) từ lâu được xem là "lãnh địa" hoạt động của xe "cà tàng". Do là khu chợ trung tâm, chuyên phân phối sản phẩm hóa chất cho toàn thành phố, nên mỗi chủ gian hàng đều sở hữu từ 2 - 3 xe thồ hàng, đa số đều là xe "3 không", xe "cà tàng".
Thậm chí một chủ sạp tại chợ Kim Biên khi được hỏi về việc sử dụng những chiếc xe không đảm bảo an toàn để vận chuyển hàng hóa sẽ bị CSGT tạm giữ xe và xử phạt, thì trả lời rất thản nhiên: "Bắt thì bỏ xe thôi, vì giá xe cũng rẻ mà! Chỉ cần 5 phút là có ngay chiếc xe mới để chở đồ". Chính vì lý do này mà tại TPHCM, lượng xe "cà tàng" luôn ở mức cao, làm người dân e ngại về mức độ an toàn khi tham gia giao thông cùng các xe này.
Sáng 20-12-2019, đường Võ Văn Kiệt đoạn dưới chân cầu Chà Và (Q5) tấp nập phương tiện qua lại. Theo chân các chiến sĩ CSGT mặc thường phục của Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM (CATP) có mặt tại đây ghi hình, phóng viên không khỏi rùng mình trước những màn "tranh tài" của nhiều xe thồ chở "cả núi" hàng hóa.
Chỉ ít phút sau, tổ công tác chuyên đề xử lý xe "mù", xe "mờ" của Đội CSGT Chợ Lớn nhanh chóng có mặt, lập chốt kiểm tra. Chưa tới 10 phút có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh tạm dừng nhiều phương tiện để kiểm tra. Nhiều tài xế còn chủ động liên hệ cho đồng nghiệp, thông báo về chốt chặn này của lực lượng CSGT. Có trường hợp thấy CSGT, tài xế xe "mù", xe "mờ" bất chấp luật giao thông, quay đầu xe bỏ chạy, gây va quẹt đối với những phương tiện xung quanh.
Qua ghi nhận tại hiện trường, phần lớn xe bị kiểm tra đều vi phạm các lỗi, như: biển số bị che mờ, xe không có gương, đèn chiếu sáng lẫn đèn tín hiệu, không có giấy đăng ký phương tiện... Khi lực lượng CSGT yêu cầu ký vào biên bản vi phạm, nhiều tài xế thản nhiên tỏ thái độ bất hợp tác. Có trường hợp còn xin lấy lại hàng hóa và đòi "tặng không" cho lực lượng chức năng phương tiện vi phạm (!). Chính vì trị giá phương tiện rất rẻ, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, tạo ra tâm lý ỷ lại khi bị CSGT xử lý. Tình trạng này đã và đang gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, xử lý triệt để nạn xe "mù", xe "mờ" hoành hành trên địa bàn thành phố.
Tương tự, tại giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Đình Của (Q2), các chiến sĩ của Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP) tổ chức chuyên đề kiểm tra, xử lý xe "mù", xe "mờ" trong sáng 29-12-2019. Ngay khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, nhiều tài xế liền quay đầu xe để né tránh. Nhiều trường hợp bị CSGT kiểm tra, lái xe viện đủ các lý do để tìm sự... thông cảm!
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn lập chốt kiểm tra, các chiến sĩ của Đội CSGT Rạch Chiếc đã lập biên bản xử lý 3 trường hợp vi phạm. Nhiều xe không có biển số và số khung, chở hàng quá mức quy định. Tài xế Nguyễn Văn Duy K. (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long) lái xe ba gác không rõ biển số, khi bị dừng phương tiện để kiểm tra, đã không thể xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện. "Chiếc xe này được chủ xe giao để chở hàng. Em chỉ làm công ăn lương, chủ giao xe gì thì chạy xe đó thôi" - Anh K. cho biết. Phóng viên hỏi về mức độ nguy hiểm khi phương tiện chở quá tải, anh K. gãi đầu, nói: "Biết là nguy hiểm, nhưng không chạy thuê, không nghe lời chủ thì tụi em lấy đâu ra tiền lo cho gia đình?".
KHỔ NHƯ... GIỮ XE VI PHẠM
Tình trạng "bỏ thí" xe vi phạm sau khi bị CSGT tạm giữ, dẫn đến tình trạng nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm luôn trong tình trạng quá tải. Nếu là xe còn xác định được số khung, số máy, biển số trùng theo giấy phép đăng ký thì việc đăng thông báo, tìm kiếm chủ sở hữu vẫn còn hy vọng. Riêng việc truy tìm manh mối chủ của những chiếc xe "mù", xe "mờ" không thể nhận dạng được là hành trình vô cùng gian nan.
Thông thường, sau khi bị CSGT xử phạt, nếu trong thời hạn quy định mà chủ phương phương tiện không đến đóng phạt, nhận xe thì sẽ được đăng thông báo trên báo. Ai là chủ sở hữu những xe trong danh sách thông báo, mang đầy đủ giấy tờ hợp lệ đến Đội CSGT nơi phát thông báo làm việc. Quá thời hạn 30 ngày kể từ khi đăng thông báo, nếu không có người nào đến giải quyết, toàn bộ số xe sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP cho biết, đối với xe "3 không" (không còn biển số, số khung, số máy bị cạo, xóa không thể xác định được), muốn thanh lý phải đăng trên báo giấy, rồi kẹp các tờ báo đó vào hồ sơ thanh lý từng chiếc xe. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình giám sát những chiếc xe chỉ còn trơ khung sườn, động cơ đã được độ chế.
Anh Nguyễn Thế Trữ - giảng viên chuyên ngành quản lý đô thị:
Ngoài phạt tiền, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm những chế tài nhằm ràng buộc trách nhiệm không chỉ đối với người điều khiển phương tiện vi phạm, mà còn đối với chủ phương tiện. Cạnh đó, nên nghiên cứu thêm các phương án rút gọn quy trình thanh lý phương tiện vi phạm sao cho thuận lợi, để giảm tải gánh nặng trong công tác quản lý.
Sáng 21-12-2019, phóng viên đến kho tạm giữ phương tiện vi phạm Lê Minh Xuân tại H.Bình Chánh, do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP quản lý để ghi nhận thực tế. Những nhà kho kiên cố chứa đầy phương tiện vi phạm. Hầu hết xe vi phạm tại đây đều là xe đời cũ, không thể nhận dạng thông tin.
Theo một cán bộ trông giữ tại kho này, quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT phát hiện người lái những chiếc xe này phạm lỗi nên lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện. Trên thực tế, những phương tiện kiểu như vậy thường bị cà mất số khung, số máy, tháo biển số... Chính vì thế, không thể xác định được chủ xe để mời lên làm việc, xử lý. Việc phải xác định số khung, số máy như vậy gây khó khăn, cản trở cho công tác xử lý phương tiện. Lưu giữ phương tiện vừa tốn diện tích kho, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ, dù kho bãi luôn được đảm bảo an toàn cao.
Cách tốt nhất để giải quyết những phương tiện không có chủ sở hữu đăng ký nhận lại là thanh lý. Nhưng không dễ để thanh lý 1 phương tiện như thế, vì phải qua nhiều quy trình, đảm bảo yếu tố pháp lý. Thủ tục tịch thu được thực hiện theo điều 81 Luật xử lý VPHC. Việc xử lý phương tiện VPHC bị tịch thu thực hiện theo điều 82 Luật xử lý VPHC và các quy định khác có liên quan.
Trước tình huống này, Phòng CSGT ĐB-ĐS đang tính phương án đề xuất để thay đổi quy định về quy trình thanh lý, nhưng khả năng sẽ mất rất nhiều thời gian vì quy trình không dễ thay đổi. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án do Bộ Công an phê duyệt hoặc có phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính do lực lượng Công an tịch thu thì dự báo các kho xe trực thuộc Phòng sẽ không đảm bảo đủ diện tích tạm giữ xe vi phạm trong năm 2020. Vì thế, lực lượng CSGT rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ của người dân khi đón nhận thông tin.
Trong năm 2019, lực lượng CSGT TPHCM đã xử lý 613 ôtô vi phạm không kiểm định an toàn kỹ thuật hoặc quá hạn, 201 xe vi phạm thiết bị an toàn không đảm bảo (85 ôtô, 116 môtô), 263 xe vi phạm pô nổ to, xả nhiều khói (185 ôtô, 78 môtô), 16.210 môtô không gắn gương chiếu hậu, 6.383 xe không có đủ thắng, đèn, kèn ... (1.247 ôtô, 5.136 môtô).
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP đang quản lý 4 kho tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), với tổng sức chứa là 9.000 xe. Tính đến ngày 19-12-2019, tổng số phương tiện vi phạm về TTATGT đang bị tạm giữ là 8.285 xe. Trong số phương tiện mà Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP đang tạm giữ, có 3.751 xe đã có quyết định tịch thu, chờ phương án xử lý tài sản.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/gian-nan-thanh-ly-xe-ca-tang_85789.html