TPHCM: Giáo viên tại trường thực hiện tự chủ có tiền thưởng theo NĐ 73 không?

Người lao động làm tại Trường mầm non Nam Sài Gòn, Trường TH –THCS – THPT Nam Sài Gòn và Trường THPT Quốc tế Việt Úc nguy cơ không có thưởng theo NĐ 73.

Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định mức lương cơ sở và và chế độ thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trong đó, chế độ tiền thưởng có thưởng theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quỹ thưởng được xác định bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp) và phải chi trước 31/1 của năm sau. Đây là lần đầu tiên, công chức, viên chức sẽ có thêm khoản tiền thưởng này.

Cho đến nay, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thành thủ tục để chi trả thưởng cho giáo viên khoản tiền này (áp dụng cho khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2024).

Phần lớn các trường sẽ chia thưởng cho người lao động theo 3 mức đánh giá như: Hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có mức chi phổ biến trong khoảng từ 3 đến 7 triệu đồng/người, tùy theo quy mô số lượng lao động của trường đó.

Trước thông tin tại Hà Nội, giáo viên ở các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên nguy cơ không có thưởng theo Nghị định 73 khiến nhiều giáo viên ở các trường thực hiện tự chủ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng khá băn khoăn.

Theo thầy T. là một giáo viên Toán của Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Sài Gòn (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), khi Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, các giáo viên đều rất vui mừng. Bởi vì, dù mức thưởng có thể là không cao, nhưng nó cũng là nguồn động viên rất lớn lao đối với người lao động mỗi khi “năm hết, tết về”.

 Trường mầm non Nam Sài Gòn, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: V.D)

Trường mầm non Nam Sài Gòn, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: V.D)

Thầy T. cho rằng, giáo viên được biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Nếu chỉ vì nhà trường đã được xếp vào nhóm trường tự chủ hoàn toàn, mà giáo viên ở trường không được hưởng quyền lợi như bao trường công lập khác thì không phù hợp.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Sài Gòn, Trường mầm non Nam Sài Gòn và Trường trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc đang áp dụng mô hình tự chủ hoàn toàn.

Thầy Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Sài Gòn giải thích, trường tự chủ hoàn toàn, bao gồm cả tự chủ chi thường xuyên, nguồn thu chủ yếu từ học phí và các hoạt động hỗ trợ để đảm bảo chi phí dạy học, hoạt động của nhà trường.

Năm 2025 trường mới trích ra từ kinh phí hoạt động của nhà trường để đảm bảo cho khen thưởng cuối năm cho giáo viên, đúng theo tinh thần của Nghị định 73 quy định, còn hiện việc khen thưởng cuối năm cho giáo viên, người lao động của trường áp dụng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của trường cũng có từ một vài năm nay rồi.

Trường hoạt động hoàn toàn không dựa vào ngân sách của Nhà nước. Hiện nhà trường có hơn 3.000 học sinh (cả 3 bậc học) với tổng số nhân sự là hơn 200 người.

Trường trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc (SIC) là trường công lập thứ hai áp dụng mô hình tự chủ hoàn toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà nước không cấp ngân sách để duy trì hoạt động của nhà trường, nên trường hoạt động trên tinh thần “có bao nhiêu, xài bấy nhiêu”, còn nếu mà chia hết số tiền trường hiện có mà năm sau tuyển sinh không tốt thì cũng khó có đủ kinh phí để duy trì hoạt động.

Đối với việc áp dụng thưởng cho giáo viên theo Nghị định 73, cô Tô Hạ Uyên khẳng định rằng trường không có kinh phí để thưởng, mà chỉ có đánh giá giáo viên – nhân viên (người Việt Nam) theo quý để chi thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của thành phố (kinh phí chi nhà trường tự thu xếp).

Dịp cuối năm, nhà trường cố gắng chi thêm tháng lương thứ 13 cho giáo viên – nhân viên người Việt Nam của trường, còn giáo viên người nước ngoài thì chỉ căn cứ theo hợp đồng lao động.

Hiện tổng số người lao động người Việt Nam là hơn 20 người, chiếm một nửa nhân sự hiện có của nhà trường. Tổng số học sinh của trường hiện này là hơn 100 em.

Trường công lập thứ 3 áp dụng mô hình tự chủ hoàn toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh là Trường mầm non Nam Sài Gòn. Dù thời gian đến tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 đã gần kề, nhưng cho đến giờ này, cô Lê Thị Xuân Thương – hiệu trưởng nhà trường nói rằng, vẫn chưa biết được trường có đủ kinh phí để chi thưởng cuối năm cho giáo viên – nhân viên của trường theo Nghị định 73 hay không.

Theo cô Lê Thị Xuân Thương lý giải, nếu sau khi cân đối, quyết toán ngân sách của trường, có đủ tiền thì trường sẽ đưa ra quy chế đánh giá và chi thưởng đánh giá cuối năm cho giáo viên, còn nếu không đủ thì chỉ có thể chi một khoản tiền gọi là hỗ trợ.

Hiện trường đã xây dựng quy chế đánh giá thi đua theo quý, để chi tiền thu nhập tăng thêm theo quý cho giáo viên, bắt đầu áp dụng từ quý 4/2024. Sau khi chi xong khoản tiền này, trường mới nghĩ tới chi thưởng cho người lao động giống như Nghị định 73 quy định.

Tổng số người lao động của trường hiện nay là 61 người, đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 300 trẻ.

Ngày 8/1, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Trường nào cũng phải lên dự toán hoạt động ngay từ đầu năm, trong đó có khoản chi dành cho khen thưởng cho người lao động. Đây cũng là một hình thức khen thưởng mà Nghị định 73 mới ban hành quy định. Trường nào cũng phải làm việc này thường xuyên, hàng năm, để đảm bảo đúng tinh thần là giáo viên ở trường công lập có gì, trường tự chủ hoàn toàn phải có cái đấy".

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tphcm-giao-vien-tai-truong-thuc-hien-tu-chu-co-tien-thuong-theo-nd-73-khong-post248357.gd