TPHCM: Giữa cao điểm chỉnh trang đô thị, ôtô đậu bất chấp biển cấm
TPHCM đang mở cao điểm chỉnh trang đô thị, xóa nạn lấn chiếm lòng lề đường, thế nhưng tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, tình trạng ôtô nối đuôi nhau đậu chễm chệ trên vỉa hè lẫn hai bên lề đường, ngay dưới biển báo cấm dừng, cấm đỗ, không chỉ gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn làm cho chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè của thành phố như muối bỏ biển...
Dừng, đỗ bất chấp từ trung tâm thành phố
TPHCM hiện quản lý trên dưới 850.000 phương tiện ôtô, cùng hơn 7,8 triệu xe máy các loại, chưa kể xe vãng lai từ địa phương khác. Trong khi số phương tiện giao thông có xu hướng gia tăng thì hệ thống bến bãi ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch (thiếu hơn 900 héc-ta so với chỉ tiêu gần 1.200 héc-ta) khiến nhu cầu dừng, đỗ, giữ xe ngày càng bức bách, nhất là ở khu trung tâm và xung quanh các bệnh viện.
Tại ngã ba đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Cao Vân (Q3), cơ quan chức năng cắm 2 biển báo cấm đỗ xe từ 6 - 20 giờ đối với đường Mạc Đĩnh Chi và từ 6 - 18 giờ đối với đường Trần Cao Vân, nhưng tình trạng ôtô dừng, đậu trong khung thời gian trên đang xảy ra nhan nhản. Nhiều nhất là đoạn đường trước Khu nhà làm việc Liên cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến quán cà phê Highlands. Mỗi ngày, tại khu vực trên, hàng chục chiếc ôtô nối đuôi nhau đậu chễm chệ từ vỉa hè cho đến lề đường. Có chiếc dừng đỗ trong ít phút rồi di chuyển, nhưng nhiều chiếc đậu lì cả tiếng đồng hồ. Việc ôtô dừng, đỗ bất chấp cả biển cấm khiến đường Trần Cao Vân và Mạc Đĩnh Chi bị bóp nghẹt, xe cộ qua lại khó khăn, giao thông ùn tắc.
Là khu vực có nhiều cửa hàng, quán cà phê, cơ quan... khu vực xung quanh hồ Con Rùa (Q3) có lượng lớn phương tiện giao thông qua lại. Do đa số cửa hàng, quán cà phê xung quanh hồ Con Rùa không có bãi đỗ xe hoặc bãi đỗ xe quá nhỏ nên nhiều tài xế đã dừng, đỗ xe ngay bên lòng lề đường khiến đường sá bị "teo tóp", kẹt xe thường xuyên.
Cách hồ Con Rùa không xa, các tuyến đường: Alexandre de Rhodes, Hàn Thuyên, Công xã Paris và khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố... được cơ quan chức năng gắn nhiều biển cấm đỗ xe trong thời gian từ 6 - 20 giờ, nhưng vào khung giờ trên, khu vực này luôn có một lượng lớn xe hơi nối đuôi nhau đậu thành dãy dài, có chiếc leo hẳn lên vỉa hè để đậu "như chưa hề có chiến dịch ra quân" dẹp lòng lề đường.
Đường Nguyễn Du (Q1) lắp nhiều biển cấm dừng và cấm đỗ xe trong khoảng thời gian từ 6 - 9 giờ và từ 16 - 20 giờ đối với khu vực bên hông Dinh Thống Nhất, từ 6 - 22 giờ đối với đoạn trước Bệnh viện Nhi Đồng 2; đường Chu Mạnh Trinh có biển cấm dừng cấm đỗ trong thời gian từ 6 - 22 giờ. Tuy nhiên vào các khung giờ trên, hàng chục chiếc ôtô vẫn ngang nhiên đậu chễm chệ hai bên đường. Có chiếc vừa đậu, vừa bật đèn xi nhan "cảnh báo khẩn cấp", khi có người quay phim, họ liền nổ máy rời đi, nhưng nhiều chiếc khác, cánh tài xế cho xe của họ đậu lì một chỗ rồi vắt chân lên cửa, tay bấm điện thoại như thể họ đang đậu trong bãi đỗ xe.
Anh Lê Trọng Hiếu (ngụ Q.Bình Thạnh) hay đi làm qua đường Nguyễn Du ngao ngán: "Hầu như lúc nào đường Nguyễn Du cũng có cả trăm chiếc ôtô dừng, đỗ chi chít. Đường Nguyễn Du và nhiều đường trung tâm thành phố vốn nhỏ hẹp, chỉ cần một ôtô dừng, đỗ là gần như chiếm hết một phần làn đường. Việc cánh tài xế cho dừng, đỗ xe cộ vô tội vạ không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn khiến tuyến đường bị kẹt xe thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân".
Tại nhiều tuyến đường xung quanh bảo tàng Mỹ thuật TPHCM như Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính... có bảng cấm đỗ xe trong khoảng thời gian từ 6 - 22 giờ, thế nhưng xe cộ vẫn dừng đỗ nhan nhản. Bên cạnh ôtô cá nhân, còn có xe 16 chỗ của một số nhà xe dừng, đỗ đưa rước khách. Tương tự, đường Phạm Ngũ Lão (Q1) có biển cấm dừng xe và chỉ cho xe khách dưới 50 chỗ có biển hiệu du lịch được dừng dưới 5 phút, tuy nhiên, nhiều xe ôtô cá nhân vẫn dừng đỗ nhan nhản trên tuyến đường này.
Đến xung quanh bệnh viện
Là khu vực tập trung nhiều bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, nhà xe, chợ búa... tình trạng xe cộ đậu tràn lan bất chấp biển báo giao thông tại nhiều tuyến đường ở các quận: 5, 10, 11... diễn ra phổ biến. Ghi nhận tại đường Ngô Gia Tự (đoạn từ bùng binh Ngã Sáu đến đường Ngô Quyền) cho thấy, mặc dù cơ quan chức năng đã cắm nhiều biển cấm dừng và cấm đỗ, nhưng mỗi ngày hai bên đoạn đường trên có cả trăm chiếc ôtô nối đuôi nhau đậu thành hai dãy dài hàng trăm mét. Nhiều tài xế cho xe đậu ngay dưới biển cấm như thể chúng chưa từng tồn tại.
Tại đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ ngã tư Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai đến ngã tư Lý Thường Kiệt - Hồng Bàng) có rất nhiều biển cấm đỗ xe, nhưng hàng ngày xe cộ vẫn dừng đỗ vô tội vạ, nhiều nhất là khu vực trước cổng Bệnh viện Hùng Vương, hầu như lúc nào cũng có ôtô, xe taxi dừng đỗ tấp nập. Cảnh đưa đón diễn ra khá lộn xộn, bát nháo.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, (ngụ Q10) có cửa hàng kinh doanh ở mặt đường Lý Thường Kiệt bức xúc: "Nhiều hôm mở cửa ra đã thấy ôtô đậu chễm chệ trước cửa khiến người trong nhà đi ra đi vô rất khó khăn, xe máy ở trong nhà chẳng tài nào dắt ra được, buôn bán ế ẩm vì khách ngại ghé vào mua. Gia đình tôi nhiều lần ra nhắc nhở, có tài xế họ xin lỗi rồi cho xe di chuyển chỗ khác, nhưng không ít tài xế "bật" lại: "đường không phải của nhà bà”. Mình bức xúc cự lại thì họ văng tục, chửi thề mất văn hóa".
Đường Triệu Quang Phục (Q5) có biển cấm đỗ xe từ 6 - 22 giờ; đường Phạm Hữu Chí (đoạn sau lưng Bệnh viện Chợ Rẫy, Q5) có biển cấm dừng cấm đỗ đối với xe khách, cấm đỗ đối với ôtô và xe tải trong thời gian từ 6 - 22 giờ. Thế nhưng vào các khung giờ này, tại hai tuyến đường trên luôn có hàng trăm ôtô, xe tải dừng đỗ chễm chệ. Đường Phạm Hữu Chí còn là nơi đặt văn phòng của một số nhà xe nên ngoài xe ôtô, xe tải, tuyến đường này còn có nhiều xe khách hoạt động nhộn nhịp.
Tại nhiều tuyến đường khác ở quận 5, quận 10 như: Nguyễn Chí Thanh, Tân Phước, Phó Cơ điều, Tân Thành, Đào Duy Từ, Tăng Bạt Hổ... cơ quan chức năng cắm nhiều biển cấm đỗ xe vào ngày chẵn, ngày lẻ, nhưng tình trạng xe cộ vẫn đậu tràn lan trên đường, gây cản trở giao thông, hạn chế tầm nhìn người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Anh Nguyễn Xuân Trường, ngụ quận 5 bức xúc: "Thành phố đang mở cao điểm chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng lề đường. Trong khi, nhiều quán sá, người bán hàng rong, xe đẩy đang nghiêm túc chấp hành chủ trương của thành phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, thì nhiều tài xế dường như đang làm ngơ trước những nỗ lực của mọi người. Họ không thể "mù màu" trước các biển báo giao thông, nhưng do ý thức của một số người chưa tốt nên họ vẫn cho xe đậu tràn lan trên đường khiến tình trạng kẹt xe ở thành phố vốn khó khăn lại càng trở nên nan giải".
Theo anh Trường, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm dừng, đỗ sai quy định, thành phố cần nhanh chóng xây dựng hệ thống bến bãi, đáp ứng nhu cầu dừng, đỗ cho xe cộ.