TPHCM - Indonesia kết nối tiềm năng, lợi thế
Trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia (từ ngày 21 đến 24-8), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn đại biểu cấp cao TP đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các bộ, ngành và doanh nghiệp Indonesia, tìm hiểu tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia, các giải pháp tăng cường cơ hội hợp tác giữa Indonesia với TPHCM.
Hợp tác giải quyết các vấn đề cùng quan tâm
Tại các buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia tiếp tục phát triển sâu rộng, thể hiện qua việc ký kết chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia tháng 9-2018.
Các kết quả đạt được trong chương trình hành động này là nền tảng quan trọng để đôi bên hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.
Chiều 22-8, làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia và Viện Tự cường Quốc gia Indonesia (NRI), ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TPHCM đang đối mặt với một số thách thức như cơ sở hạ tầng quá tải, kẹt xe, ô nhiễm môi trường; ngập lụt đô thị, nước biển dâng và sụt lún mặt đất. Đây là cơ hội tốt để đôi bên chia sẻ về những thách thức này mà Jakarta và TPHCM đang gặp phải.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ý tưởng thành lập liên minh phát triển bền vững của các thành phố lớn trong khu vực, bắt đầu từ Indonesia, Việt Nam, Philippines. Liên minh này tập trung giải quyết các vấn đề về giao thông, môi trường, giải quyết ngập lụt...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn tìm hiểu tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia (making Indonesia 4.0, chính sách phát triển nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, kinh nghiệm phát triển start-up, SMEs); tìm hiểu cách thức, khó khăn, lợi thế của Indonesia trong việc hoạch định chiến lược quốc gia.
Lãnh đạo TPHCM và Indonesia cũng thống nhất các cơ quan chức năng 2 bên tiếp tục trao đổi, hợp tác cụ thể hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, nhất là thách thức về nước biển dâng, giao thông - vận tải, đào tạo nguồn nhân lực cũng như xây dựng các chiến lược trong phát triển kinh tế, hỗ trợ và tạo không gian khởi nghiệp sáng tạo.
Hệ thống đê đa chức năng của Indonesia là một giải pháp quan trọng, cần được xem xét để giải quyết một số vấn đề trong phát triển đô thị TPHCM đang gặp phải.
Ông Nguyễn Thiện Nhân,
Bí thư Thành ủy TPHCM
Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu về dự án giải pháp chống ngập và giao thông công cộng tại Jakarta. Indonesia đã đầu tư hệ thống đê dài khoảng 120km (60km đê biển, 60km đê sông), với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ USD.
Đây là giải pháp tích hợp, vừa xây dựng đê bao, vừa cung cấp nước sạch (để hạn chế khai thác nước ngầm) phòng chống ngập lụt cho thủ đô Jakarta và phát triển giao thông (đường bộ, đường sắt, bến tàu công cộng), cũng như phát triển đô thị ven biển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM còn tìm hiểu hoạt động giao thông công cộng tại Jakarta. Ở thủ đô Indonesia, việc tái cơ cấu các đơn vị xe buýt, liên kết các loại phương tiện giao thông nhỏ, hoạt động đến tận các tuyến đường nhỏ đã giúp lượng khách tăng 300%/năm và tăng liên tục trong 5 năm qua.
Ngày 23-8, ông Nguyễn Thiện Nhân, đã có buổi làm việc với ông Luhut Binsar Pandjatan, Bộ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải Indonesia, nhằm trao đổi kinh nghiệm, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và du lịch.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất mở rộng kết nối giao thông hàng không, hàng hải giữa Việt Nam và Indonesia, nhằm khai thác thế mạnh của hai nước; đồng thời đưa ra ý tưởng về việc hợp tác ở một số lĩnh vực lớn. Đó là việc Việt Nam và Indonesia đồng tổ chức diễn đàn trong khối ASEAN về phát triển đô thị bền vững.
Tiếp thêm nguồn lực cho TPHCM phát triển
TPHCM rất coi trọng việc tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa TP với Indonesia, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
Ông Võ Văn Hoan,
Phó Chủ tịch UBND
Chiếu tối 22-8, tại thủ đô Jakarta, lãnh đạo TP đã tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào TPHCM. Hội nghị đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư Indonesia tham gia.
Tại hội nghị, ông Tommy Manawan, Tổng giám đốc Tài chính Công ty Japfa Việt Nam, chia sẻ trải nghiệm kinh doanh tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Ông Tommy cho biết Công ty Japfa đã hoạt động tại Việt Nam hơn 24 năm và hiện có 27 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc.
“Chúng tôi đã từng bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Japfa luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương. Hiện nay Công ty Japfa Việt Nam đạt sản lượng hơn 30.000 tấn thức ăn gia súc/năm. Thị thường Việt Nam còn rất tiềm năng để công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng và phát triển” - ông Tommy khẳng định.
Trong khi đó, Công ty Go-Jek là startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) giá trị nhất tại Indonesia (được định giá 10 tỷ USD) cũng đã có mặt tại TPHCM và Hà Nội, với thương hiệu GoViet từ năm 2018. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, GoViet đã thực hiện 100 triệu chuyến xe, đạt mức tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn đặt hàng. Bà Lê Diệp Kiều Trang, Tổng giám đốc GoViet, cho biết hiện công ty có hơn 125.000 đối tác tài xế, cung cấp dịch vụ vận tải (GoBike), giao nhận hàng hóa (GoSend) và giao nhận thực phẩm (GoFood).
Theo bà Kiều Trang, GoViet hướng tới trở thành một “super-app” (siêu ứng dụng) dành cho Việt Nam, theo mô hình đang rất thành công Tập đoàn liên kết Gojek đang triển khai ở Indonesia. Cụ thể, GoViet sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng về dịch vụ và thanh toán theo nhu cầu đa dạng hàng ngày của người dân TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Kinh tế TPHCM năm 2018 đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. GRDP của TP tăng trưởng 8,3%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 57 tỷ USD (chiếm hơn 23% GDP cả nước).
TPHCM cũng đã đón 7,5 triệu khách quốc tế (chiếm 48% tổng lượng khách quốc tế cả nước). TPHCM luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có Indonesia.
Hiện Indonesia có 39 dự án đầu tư tại TPHCM với tổng vốn đầu tư đạt gần 30 triệu USD, đứng thứ 34/106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TPHCM. Về thương mại, kim ngạch thương mại 2 chiều TPHCM - Indonesia năm 2018 đạt 1,3 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 654 triệu USD.
“Tôi tin tưởng các nhà đầu tư Indonesia sẽ tiếp thêm nguồn lực để TPHCM phát triển và vươn lên” - ông Võ Văn Hoan bày tỏ và thông tin, năm 2019 và các năm tiếp theo, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực triển khai đề án xây dựng TP trở thành TP thông minh, đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực…
Trước mục tiêu xây dựng TPHCM ngày càng hiện đại, năng động và có chất lượng cuộc sống tốt, bên cạnh việc phát huy nội lực của TPHCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định TPHCM rất coi trọng việc tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa TP với các đối tác nước ngoài, trong đó có Indonesia.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp Indonesia quan tâm đến việc đầu tư tại TPHCM, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của TPHCM.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Quan điểm và mong muốn của TPHCM là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM, mang lại lợi ích cho cả 2 bên. TPHCM cam kết lấy sự hài lòng của các doanh nghiệp là tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM”.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tphcm-indonesia-ket-noi-tiem-nang-loi-the-71542.html