TPHCM: Khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên
Sáng 20-7, Tập đoàn Bamboo Capital đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
Phát biểu tại lễ khởi công, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng, cho biết giai đoạn 2020-2025 TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện tỷ lệ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% đến năm 2025 (hướng tới năm 2030 đạt 100%). TPHCM đã kiến nghị và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, HĐND TPHCM cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND để khuyến khích các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nâng công suất và chuyển đổi công nghệ xử lý sang công nghệ đốt phát điện.
Thực hiện những chỉ đạo trọng tâm của Thành ủy, UBND và HĐND về chủ trương xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng phát điện, Sở TNMT cùng Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở KHĐT, Sở Tài chính và các sở, ban ngành liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định nhằm kịp thời khởi công xây dựng nhà máy.
Theo ông Thắng, việc khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đánh dấu sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực, cầu thị của những doanh nghiệp đang xử lý rác sinh hoạt cho TPHCM trong giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững; hướng tới năm 2030 đạt 100% công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng.
Thống kê năm 2023 cho thấy lượng rác thải sinh hoạt ở TPHCM là 9.800 tấn/ngày, trong những ngày cao điểm lễ, tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới với khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt /ngày, trong đó khoảng 60% rác là từ các đô thị.
Chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng trong giai đoạn năm 2021-2030 trung bình là 6%/năm. Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường.
Do đó, việc đốt rác phát điện là công nghệ hiện đại mang đến lợi ích kép, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra được điện năng. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết, công nghệ lõi sử dụng cho nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, đã được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Hoạt động xử lý rác của nhà máy hoàn toàn khép kín, khí thải ra môi trường được xử lý an toàn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Sau khi được đốt bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, rác thải sẽ giảm được phần lớn thể tích và khối lượng, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy.
Khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại, ưu việt hơn tiêu chuẩn xử lý EURO 2010, đảm bảo không gây ra mùi hôi hay ô nhiễm không khí khi thải ra môi trường. Dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ xử lý 6.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 130MW/ngày, giai đoạn 3 công suất xử lý rác lên đến 8,600 tấn/ngày và công suất phát điện lên đến 200MW.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, đây là dự án đốt rác phát điện đầu tiên được xây dựng trên địa bàn TPHCM cũng là 1 trong những dự án đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM.
Ông Cường đánh giá cao nỗ lực của Sở TNMT, UBND huyện Củ Chi, chủ đầu tư cùng các sở ngành liên quan để dự án được khởi công. Từ đó đề nghị chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn… để sớm đưa dự án vào hoạt động như kế hoạch đề ra.