TPHCM: Làm gì để trở thành thành phố điện ảnh?

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM đang xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo (UCCN) của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Dự kiến, hồ sơ được trình UNESCO ngày 3/3.

Nhiều lợi thế

Theo Sở VH-TT TPHCM, thành phố đang có nhiều lợi thế hơn so với những địa phương khác trong việc hình thành Thành phố điện ảnh. Thành phố hiện có 54 dân tộc sinh sống và là môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. TPHCM đã trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO từ năm 2024 và đang hướng đến việc tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục để phát huy tiềm năng của người dân, khuyến khích và khai thác mọi nguồn lực sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển TPHCM trở thành “Thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng, bộ phim Việt Nam được đánh giá cao tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng, bộ phim Việt Nam được đánh giá cao tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Về hạ tầng, điện ảnh TPHCM đang quy tụ 935 doanh nghiệp, với 9.294 lao động. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo, thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp. Thành phố còn có các không gian văn hóa phục vụ nhu cầu của cộng đồng, trong đó có 22 trung tâm văn hóa quận/huyện, 18 nhà văn hóa lao động, 9 thiết chế văn hóa - thể thao tại các khu công nghiệp, 68 trung tâm văn hóa - thể thao phường/xã phục vụ quảng bá và phổ biến văn hóa nghệ thuật, nâng cao mức sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Bà Maud Boissac - Phòng Văn hóa TP Cannes (Pháp) cho biết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Cannes, một thành phố chỉ với 75.000 dân nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế khi tổ chức Liên hoan phim Cannes nổi tiếng thế giới. Từ liên hoan phim, thành phố Cannes đã trở thành một trong những kinh đô của điện ảnh thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách cùng hàng nghìn chuyên gia, nhà làm phim hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm từ Cannes sẽ là cơ sở để TPHCM có thể tham khảo, định hướng để xây dựng chính sách trở thành Thành phố điện ảnh.

Ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhìn nhận, điện ảnh TPHCM đang phát triển nhanh nhất cả nước. Các bộ phim Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp điện ảnh ở TPHCM sản xuất. Nguồn lực kinh tế cũng như con người, bối cảnh... tại TPHCM cũng đều có lợi thế hơn so với các địa phương khác.

Theo NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, hiện nay điện ảnh được xem là mũi nhọn trong 8 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa tại TPHCM. TPHCM là nơi có số lượng rạp nhiều nhất cả nước và doanh thu từ phòng vé chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh cả nước.

Rạp phim ngoài trời tại TP Thủ Đức, TPHCM.

Rạp phim ngoài trời tại TP Thủ Đức, TPHCM.

Xây phim trường, cải cách thủ tục...

TPHCM sẽ tạo cơ hội để nghệ thuật điện ảnh phát triển trong trường học nhằm nâng cao cảm thụ nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, thành phố triển khai dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh” nhằm truyền tải những câu chuyện đa chiều về cuộc sống, con người và văn hóa phong phú của TPHCM thông qua điện ảnh. TPHCM nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển điện ảnh để hướng đến xây dựng đầu mối tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính cho nhà làm phim. Bên cạnh đó, TPHCM tổ chức diễn đàn mạng lưới các thành phố điện ảnh châu Á nhằm tạo điều kiện cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trao đổi về các vấn đề thuộc chuyên môn; tổ chức các giải thưởng, liên hoan điện ảnh như Giải thưởng viết kịch bản phim quốc tế, Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) thường niên; xây dựng không gian sáng tạo văn hóa qua các công viên giải trí mang tính biểu tượng kết nối với thế giới, phát triển điện ảnh thông minh…

NSND Thanh Thúy cho biết, thành phố sẽ xây công viên sáng tạo dọc bờ sông Sài Gòn, đầu tư phim trường, trung tâm sản xuất hậu kỳ, thiết lập nền tảng phát hành cho các phim trực tuyến. Tuy nhiên, thành phố cũng mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người làm phim như đơn giản thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công một cửa, liên thông… “Sở VH-TT TPHCM phối hợp nghiên cứu, rà soát quy hoạch và đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện phim trường tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc tại TP Thủ Đức với diện tích hơn 300 ha để phát triển điện ảnh”, NSND Thanh Thúy cho hay.

Đồng tình với ý kiến này, ông Jérémy Segay, đại diện Đại sứ quán Pháp, cho biết, Đại sứ quán Pháp từng giúp TPHCM quảng bá việc quay phim nước ngoài tại đây. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn phức tạp, khó khăn khi xuất nhập khẩu trang thiết bị làm phim, thiếu các dịch vụ đi kèm, thiếu hạ tầng phim trường. Lãnh đạo TPHCM cần sớm thay đổi chính sách, xây dựng cẩm nang quay phim tại TPHCM với chính sách ưu đãi. Đại sứ quán Pháp sẽ hỗ trợ phát hành cẩm nang này tại các liên hoan phim lớn nhằm thu hút các nhà làm phim.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-lam-gi-de-tro-thanh-thanh-pho-dien-anh-post1719044.tpo