TPHCM: Làm tốt công tác điều chỉnh giấy tờ khi sáp nhập phường xã, không đẩy khó cho dân
Chiều 16-12, Đoàn kiểm tra, khảo sát số 1, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã TPHCM giai đoạn 2023-2025 đã khảo sát tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TPHCM tại 5 quận 4, 5, 6, 10, 11.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn kiểm tra, khảo sát số 1 đề nghị Công an Thành phố, Sở TNMT, Sở Tư pháp… và các sở, ngành liên quan hướng dẫn các quận và phường thực hiện tốt công tác điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan cho tổ chức, cá nhân do thay đổi tên đơn vị hành chính và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Hướng dẫn phải cụ thể và bằng văn bản.
“Khi điều chỉnh giấy tờ cho người dân, phải nỗ lực thực hiện mà không gây phiền hà cho người dân, không gây ách tắc trong xử lý thủ tục hành chính, không đẩy khó cho người dân. Phải sẵn sàng để khi người dân cần thì có ngay, chứ không bắt người dân loay hoay bổ sung hồ sơ...”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ đạo.
Đối với địa phương, lãnh đạo UBND các quận chỉ đạo các phường thực hiện sắp xếp khẩn trương hoàn thiện công tác nhân sự chủ chốt của các phường hình thành sau sắp xếp, kiên quyết không để tình trạng chạy chức và tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý các quận linh hoạt bố trí cán bộ công tác ở vị trí phù hợp; rà soát cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có nguyện vọng thôi việc ngay để tổ chức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hướng dẫn các chính sách của Trung ương, của TPHCM, giải quyết thấu tình đạt lý của cơ quan Nhà nước; tổ chức lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với tài sản, trụ sở dôi dư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giao các quận bố trí sử dụng hiệu quả, nếu phù hợp thì phục vụ hết cho các hoạt động văn hóa xã hội, điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt của khu phố, tránh thất thoát và lãng phí.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo nhìn nhận, trong khó khăn chung của các quận là công tác cán bộ, quận phải trao đổi, gặp gỡ, chia sẻ với từng cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, đợt sáp nhập này nếu chỉ sáp nhập cơ học từ phường này vào phường khác thì dễ, nhưng quận có 1 phường tách làm 2, nhập về 2 phường khác nhau nên cần phối hợp nhịp nhàng của công chức.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Vũ Vương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM cho biết, báo cáo của các quận cho thấy băn khoăn chính là về 2 vấn đề: điều chỉnh thông tin cư trú và quản lý con dấu. Công an sẽ điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư tại các phường thuộc diện sáp nhập ngay khi Nghị quyết 1278/2024 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Do vậy, người dân không cần làm thủ tục hành chính điều chỉnh giấy tờ. Những trường hợp nào thật sự cần thiết thì người dân nộp hồ sơ trước thời gian này để giải quyết nhanh hơn, nếu chưa cần thiết thì nộp hồ sơ sau ngày 1-1-2025.
Bà Trần Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp TPHCM lưu ý, theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giấy tờ còn thời hạn vẫn có giá trị sử dụng nên các quận cần thông tin rộng rãi để người dân biết và không thay đổi ồ ạt. Về hộ tịch, Sở Tư pháp sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc chốt sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch đã xử lý, cấp bản sao cho đơn vị chia tách...
Theo Nghị quyết số 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1-1-2025, TPHCM sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận để hình thành 41 phường mới.