TPHCM lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản

Hàng loạt nội dung kiến nghị của phía doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến 4 nhóm vấn đề gồm môi trường - đời sống, pháp luật - lao động, thuế và hải quan đã được các sở ngành, đơn vị của TPHCM giải đáp.

Sáng 9-12, diễn ra Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM. Theo đó, 16 nội dung kiến nghị của phía doanh nghiệp Nhật Bản đã được các sở, ngành, đơn vị của TPHCM trao đổi và bước đầu có kết quả trả lời tại hội nghị lần này.

 Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM. Ảnh: Đình Dư

Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM. Ảnh: Đình Dư

Liên quan đến lĩnh vực môi trường - đời sống, phía doanh nghiệp Nhật Bản đã kiến nghị về việc tổ chức vận hành Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với yêu cầu cải thiện an ninh. Theo đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM, Ban An toàn giao thông và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã giải quyết 2/2 kiến nghị và không còn kiến nghị tồn đọng. Tuy nhiên phía Nhật Bản cũng bày tỏ sự mong mỏi về việc đẩy nhanh tốc độ xử lý thủ tục xuất nhập cảnh, giảm ùn ứ ở khâu nhập cảnh.

Đối với lĩnh vực thuế, doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị liên quan đến đăng ký giảm trừ gia cảnh (người phụ thuộc) khi tính thuế thu nhập cá nhân, phát hành hóa đơn VAT, hoàn thuế VAT cho khách du lịch đến Việt Nam cũng như hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, Cục Thuế TPHCM đã giải quyết 3/4 kiến nghị và hiện đang tiếp tục giải quyết 1 kiến nghị còn lại có liên quan đến phát hành hóa đơn VAT.

Về lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị về công tác thủ tục đối với khuôn mẫu được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau đó được cung cấp cho nước thứ ba phục vụ cho việc sản xuất linh kiện; xác định trị giá tính thuế hải quan; đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu; quy trình xử lý phế thải của doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, Cục Hải quan TPHCM đã giải quyết 4/4 kiến nghị và không còn kiến nghị tồn đọng.

Đối với lĩnh vực pháp luật - lao động, doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị liên quan đến KCX Tân Thuận; liên quan đến chủ thể chi trả tiền lương cho người lao động nước ngoài trong thủ tục liên quan đến giấy phép lao động; liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản trong KCN; yêu cầu phiên dịch viên khi thực hiện thủ tục công chứng; kiến nghị bãi bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Các doanh nghiệp[ Nhật Bản cũng nêu lại kiến nghị trước đây chưa được giải quyết. Đó là vấn đề liên quan đến các thủ tục về lao động trong việc sửa đổi quy định giới hạn trần về số giờ làm thêm; quan điểm về khái niệm “Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp” và giấy phép lao động; điều kiện xin giấy phép lao động theo hình thức “nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật”.

Theo đó, Ban Quản lý các KCX-KCN, Sở LĐTB-XH; Sở TN-MT; Sở Tư pháp; Sở Công Thương, Sở KH-ĐT đã giải quyết 4/6 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản và hiện đang tiếp tục giải quyết 2 kiến nghị liên quan đến Sở Công Thương và Sở LĐTB-XH.

 Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết những vướng mắc được phía doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị, giúp cho TPHCM nhận thấy những mặt tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Thậm chí, có những kiến nghị về môi trường đầu tư, an ninh trật tự đến vận chuyển hàng hóa, vấn đề môi trường làm việc, đi lại cũng được đề cập rất sát với thực tế của TPHCM.

“TPHCM cam kết luôn đồng hành, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp Nhật Bản để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định.

 Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Cũng tại hội nghị, ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM cho biết Nhật Bản mong muốn tận dụng các cơ hội để hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao lưu nhân dân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Ono Masuo cho rằng 4 vấn đề được phía doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất chính là định hướng cho sự phát triển của TPHCM trong trung và dài hạn.

“Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ việc tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản và các cơ quan hữu quan của TPHCM, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung và Nhật Bản và TPHCM nói riêng”, ông Ono Masuo cam kết.

Theo thống kê, tính từ năm 1988 đến 31-10, Nhật Bản có 1.767 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 5,88 tỷ USD. Hiện Nhật Bản đứng thứ 3 trong số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM.

Đình Dư

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-lang-nghe-kien-nghi-cua-doanh-nghiep-nhat-ban-post118944.html