TPHCM muốn thí điểm 20.000 xe máy xăng sang xe điện
TPHCM đặt mục tiêu thay thế hàng trăm ngàn xe máy xăng của tài xế công nghệ bằng xe điện trong thập niên này, bắt đầu bằng chương trình thí điểm 20.000 xe từ năm nay và năm tới.

Xe máy điện của hãng Honda. Ảnh: LH
Dự thảo đề án do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng, dự kiến trình UBND TPHCM trong tuần này, nhằm hướng tới giao thông xanh, giảm phát thải và hình thành hệ sinh thái xe hai bánh điện hóa đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đó, nhóm tài xế công nghệ – những người sử dụng xe máy để giao hàng và chở khách trên nền tảng số – sẽ là đối tượng ưu tiên để chuyển đổi vì có tần suất di chuyển cao, lượng phát thải lớn và tác động rõ nét đến môi trường đô thị.
Đề án xác định việc chuyển đổi sẽ theo nguyên tắc tự nguyện, có chọn lọc, dựa trên sự hợp tác ba bên: tài xế – doanh nghiệp – Nhà nước. Trong giai đoạn thí điểm, khoảng 20.000 tài xế sẽ được hỗ trợ một phần chi phí mua xe điện, pin hoặc hưởng các gói vay ưu đãi từ ngân hàng liên kết. Ngoài ra, các tài xế tham gia chương trình sẽ được ưu tiên hoạt động tại một số khu vực trung tâm, bến bãi hoặc trạm sạc riêng.
TPHCM cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp sản xuất xe điện, các đơn vị đổi pin, sạc pin, ngân hàng và nền tảng gọi xe như Grab, Gojek, Be… để xây dựng cơ chế phối hợp và đồng hành triển khai.
Theo nội dung đề án, chuyển đổi xe chỉ là một phần trong mục tiêu lớn hơn: xây dựng hệ sinh thái phương tiện hai bánh điện hóa, gắn kết giữa hạ tầng – công nghệ – dữ liệu – tài chính.
TPHCM dự kiến sẽ quy hoạch và phát triển mạng lưới trạm sạc, trạm đổi pin tại các khu vực tập trung tài xế như bến xe, trung tâm thương mại, bãi đỗ… Đồng thời, thành phố kiến nghị Trung ương ban hành các tiêu chuẩn pin dùng chung để các hãng xe điện có thể kết nối hạ tầng với nhau, tạo thuận lợi cho người dùng.
Ngoài ra, một nền tảng số dùng chung sẽ được thiết kế nhằm quản lý thông tin phương tiện, hành trình, mức phát thải tránh được và hiệu quả vận hành, giúp theo dõi hiệu quả chuyển đổi theo thời gian thực.
Dự thảo đề án nhấn mạnh vai trò của tín dụng xanh trong việc tạo đòn bẩy chuyển đổi. TPHCM sẽ kết nối với các ngân hàng, tổ chức tài chính để cung cấp khoản vay ưu đãi, không cần thế chấp cho tài xế mua xe điện. Đồng thời, thành phố cũng tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ như quỹ khí hậu, tài chính xanh, ODA… để giảm gánh nặng ngân sách công.
Một trụ cột khác là dữ liệu mở. Từ cơ sở dữ liệu hành trình của tài xế công nghệ, thành phố có thể tính toán lượng phát thải CO₂ giảm được, làm cơ sở tích hợp vào cơ chế giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai. Theo đó, làm giảm phát thải CO₂ khoảng 10.000–15.000 tấn/năm (giai đoạn đầu); tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho tài xế khoảng 30–50%; tạo thêm việc làm trong lĩnh vực sạc/đổi pin, bảo trì xe điện; hình thành thị trường xe hai bánh điện ổn định, bền vững tại TPHCM.
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 50% phương tiện hai bánh đang hoạt động trên nền tảng công nghệ chuyển sang xe điện. Trong dài hạn, đề án cũng kỳ vọng tiến tới loại bỏ dần xe máy xăng đời cũ khỏi hệ thống gọi xe công nghệ.
Tuy nhiên, dự thảo cũng thừa nhận việc triển khai sẽ đối mặt với nhiều thách thức như giá xe điện còn cao, hạ tầng sạc chưa đồng bộ, thiếu chuẩn pin dùng chung, khả năng tài chính hạn chế của tài xế.