TPHCM muốn trở thành trung tâm tài chính của khu vực
Ở thời điểm hiện tại, UBND TPHCM đang phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng đề án phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Hơn 20 năm trước, vấn đề tương tự cũng đã từng được nêu ra.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tại buổi họp báo giới thiệu về Diễn đàn Kinh tế TPCHM diễn ra hôm nay, 8-10 cho biết, UBND TPHCM từng đi học tập kinh nghiệm của Thượng Hải, Trung Quốc, nơi có dự án phát triển thành trung tâm tài chính khu vực từ năm 1992. Sau đó 4 năm, 1996, thành phố cũng có dự án tương tự.
Ở thời điểm hiện tại, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright là đơn vị tư vấn và xây dựng đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo đặt hàng của UBND TPHCM.
Vào ngày 18-10 tới, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Nội vụ, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố cùng Đại học Fulbright Việt Nam cũng sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM với chủ đề: "Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm hoàn thiện đề án này.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc thành phố có những thách thức nào với mục tiêu trên ở thời điểm hiện tại, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, lớn nhất là thách thức phải cạnh tranh. Bởi lẽ, hiện cũng có rất nhiều thành phố, quốc gia đang muốn trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Do vậy, muốn thành công và tham vọng hơn là chiến thắng trong cuộc đua này thì phải có đột phá. Đó là phải có chính sách quốc gia với những khuôn khổ pháp luật, thể chế để tạo điều kiện cho TPHCM thực hiện.
TPHCM cũng phải thay đổi tư duy, tầm nhìn và chiến lược để đưa mình thành trung tâm dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng các dịch vụ tài chính. Cùng với đó còn là những tiền đề cần thiết như cơ sở hạ tầng, giao thông, tài chính, nguồn lực con người, thể chế và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư…
Cũng theo ông Anh, quan điểm của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright là, trước khi trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế thì TPHCM phải là trung tâm tài chính thực thụ và hiệu quả của Việt Nam. Đây phải là ưu tiên, là cam kết mạnh mẽ từ tầm quốc gia và TPHCM là đơn vị thực hiện trên địa bàn.
Nhìn vào các con số thống kê về đóng góp GDP, ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài, giá trị sản xuất công nghiệp… thì TPHCM có vị trí ưu việt để đóng vai trò này. Thêm vào đó, thành phố cũng có tốc độ phát triển cao. Đây chính là điểm cơ bản để hậu thuẫn cho việc trở thành một trung tâm tài chính. Bởi vì, nếu không có nhu cầu thị trường lớn, không có tính kết nối nối với quốc tế thì rất khó có thể thực hiện được mục tiêu.
800 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM
Theo ban tổ chức, Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2019 với chủ đề "Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" sẽ có sự tham dự của 800 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, cơ quan đại diện ngoại giao, Ngân hàng Thế giới... và các chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế.
Trước ngày sự kiện diễn ra chính thức, 18-10, ban tổ chức cũng thực hiện kết nối các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Minh Tâm