TPHCM: Nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế trường học

Chiều 19-12, tại TPHCM, hơn 50 cán bộ y tế cốt cán trường học và chuyên viên phòng GD-ĐT tham gia chương trình tập huấn thí điểm thực hiện 'Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông' do Bộ GD-ĐT phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM và Tổ chức cứu trợ trẻ em tổ chức.

TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, đầu năm 2022, lần đầu tiên Chính phủ ban hành “Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”. Đây là một trong những cơ sở xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của công tác y tế trường học.

Theo TS Nguyễn Nho Huy, suốt một thời gian dài công tác y tế trường học ít được quan tâm, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của nhân viên y tế trường học.

“Tôi biết có nơi nhân viên y tế trường học phải làm việc vặt trong trường, có nơi phân công nhân sự kiêm nhiệm khiến chất lượng hoạt động chưa như mong đợi. Các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chủ yếu mang tính thời vụ, nội dung theo từng chuyên đề chứ chưa toàn diện và bài bản”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất bày tỏ.

Từ thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế soạn thảo chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ cốt cán phụ trách công tác y tế trường học. Dự kiến chương trình bồi dưỡng gồm 8 chuyên đề, kéo dài trong 84 tiết. Trong đó, 44 tiết bồi dưỡng trên lớp, 40 tiết thực hành, có kiểm tra, đánh giá.

Thông qua lực lượng cốt cán, các địa phương tiếp tục triển khai đại trà cho nhân viên y tế ở các đơn vị trường học. Trong đó, Bộ GD-ĐT cung cấp tài liệu, các sở GD-ĐT tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với cơ sở y tế, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn để bố trí báo cáo viên phù hợp.

Toàn cảnh buổi tập huấn diễn ra chiều 19-12

Toàn cảnh buổi tập huấn diễn ra chiều 19-12

Tới đây, trong năm 2023, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT tham mưu sửa đổi Thông tư liên tịch số 13 quy định vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, hình thức tổ chức hoạt động, tiêu chuẩn cán bộ y tế trường học, phân công rõ trách nhiệm quản lý y tế trường học, kinh phí hoạt động y tế trường học.

Đặc biệt, các quy định sẽ phân công rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở (trung tâm y tế huyện, trạm y tế cấp xã, y tế thôn, bản) đối với công tác y tế trường học.

Song song đó, Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT quy định về khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, chính sách cho giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học.

UBND tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học hiện có phù hợp với định mức biên chế, vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục và thực tiễn tình hình ở địa phương.

Lý giải sự cần thiết của các sửa đổi nói trên, TS Lê Văn Tuấn, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục thể chất nêu thực tế, cán bộ y tế trường học hiện nay có yêu cầu công việc tương tự một giáo viên, tuy không trực tiếp truyền thụ kiến thức trên lớp nhưng cung cấp kiến thức về sức khỏe và chăm sóc y tế, tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh cách thức duy trì sức khỏe cũng như có thói quen sinh hoạt, học tập phù hợp.

Tuy nhiên, “qua quá trình kiểm tra thực tế, tôi thấy nhiều cán bộ y tế trường học còn nhút nhát, thiếu tự tin, ngại phát biểu trước đám đông, phụ trách cùng lúc nhiều việc vặt trong trường nên chưa phát huy hết vai trò”, TS Lê Văn Tuấn thông tin.

Đại diện Vụ Giáo dục thể chất cho biết, cần xác định lại vị trí và vai trò của cán bộ y tế trường học. Theo đó, nhiều vấn đề về an toàn và sức khỏe học sinh như sân trường trơn trượt, mặt sân không đảm bảo an toàn, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế không đạt chuẩn… đều có vai trò và trách nhiệm của cán bộ y tế.

Ở góc độ khác, theo TS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ trước đến nay, trường học chủ yếu quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh nhưng chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).

Trong đó, hàng loạt vấn đề cần được quan tâm đẩy mạnh như nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, bố trí giờ ăn phù hợp, phân bổ nhân sự phụ trách…

THU TÂM THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-nang-cao-nang-luc-cho-doi-ngu-y-te-truong-hoc-post663067.html