TPHCM: Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06, được người dân đánh giá cao

Chiều 26/6, Ban Chỉ đạo Đề án 06 TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, đánh giá tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP và lãnh đạo các sở ngành liên quan...

TPHCM đã triển khai hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án 06 trong 06 tháng đầu năm 2023, Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM cho biết, kết quả thực hiện nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến TP thu được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP đã hoạt động ổn định; số lượng công dân nộp hồ sơ trên cổng DVC ngày càng tăng về số lượng, nhận được sự ủng hộ của đông đảo cá nhân và tổ chức. Tính đến ngày 1/6/2023, TP đã triển khai 1.542 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, DVC trực tuyến mức độ 3, 4 là 433 DVC. Số lượng hồ sơ đã xử lý tính đến nay là 181.177 hồ sơ được giải quyết trên cổng DVC TP.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Về rà soát, chuẩn hóa quy trình TTHC, công bố, công khai TTHC trên cổng DVC: Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở dự thảo của các sở, ban, ngành xây dựng, Văn phòng UBND TP đã thẩm định 326 TTHC các lĩnh vực và 476 quy trình nội bộ TTHC; phối hợp với đơn vị hoàn chỉnh trình Chủ tịch UBND TP ban hành 26 quyết định công bố 238 TTHC và 16 quyết định phê duyệt 131 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Các quy trình nội bộ được phê duyệt đều đã thực hiện việc tái cấu trúc quy trình, theo đó giảm được 200 giờ làm việc do bỏ bớt bước trung gian; 100% TTHC đã được cập nhật cơ sở dữ liệu và công khai trên Cổng DVC quốc gia.

Tính đến nay, tổng số TTHC của TP là 1.809, trong đó 1.475 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 224 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 128 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã; số quy trình nội bộ đã được phê duyệt là 1.591 quy trình.

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ báo cáo tại hội nghị

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ báo cáo tại hội nghị

Công an TP đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện dịch vụ công, cụ thể số liệu tiếp nhận giải quyết đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an trong 06 tháng đầu năm 2023, gồm: 188.214 hồ sơ đăng ký thường trú; 392.766 hồ sơ đăng ký tạm trú; tiếp nhận 204 hồ sơ khai báo tạm vắng; 474.471 thông báo lưu trú trên cổng DVC; 2.417 giấy phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và đăng ký, quản lý con dấu; phòng cháy chữa cháy đã tiếp nhận 3595 hồ sơ (trực tiếp: 182 hồ sơ; trực tuyến: 3400, bưu điện: 13); Về lĩnh vực quản lý, đăng ký xe: Đăng ký mới 41.536 hồ sơ ôtô; đăng ký mới 121.341 xe môtô; đã tiếp nhận, giải quyết của lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính 18.112 hồ sơ; đã tiếp nhận 169.239 hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu.

Văn phòng UBND TP cũng đã cung cấp 714 tài khoản giám sát thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia cho các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện việc giám sát thanh toán trực tuyến trên hệ thống; đang thực hiện việc cung cấp tài khoản thực hiện dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên cổng DVC quốc gia cho các đơn vị để thực hiện thủ tục chứng thực điện tử.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng Đề án 06 trong cuộc sống

Báo cáo tham luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, Bảo hiểm xã hội TP đã và đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp thực hiện công tác làm sạch dữ liệu BHXH nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối chia sẻ phục vụ tiện ích cho người lao động. Tính đến ngày 09/6/2023, số lượng CCCD đã được đồng bộ với thẻ Bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD là 6.675.062 thẻ; số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là 409 cơ sở; 3.885.191 lượt công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh; 3.058.830 công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin.

Về ứng dụng VssID (BHXH số) cho người dân, hiện đã có 4.303.560 tài khoản đã đăng ký và sử dụng ứng dụng. Từ tháng 5/2022, BHXH thành phố đã liên thông chia sẻ dữ liệu người tham gia BHTN với Sở Lao động-Thương binh-Xã hội trong việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo dữ liệu tham gia BHTN được chia sẻ là chính xác, nhanh chóng.

Người tham gia BHTN có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. BHXH TP cũng thực hiện thủ tục hành chính liên thông Dịch vụ công Quốc gia về liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí khi người dân kê khai đăng ký khai tử thì dữ liệu đăng ký khai tử sẽ được chuyển đến cơ quan BHXH qua cổng dịch vụ công để giải quyết và chi trả chế độ mai táng phí mà người dân không cần kê khai thêm thủ tục đăng ký với cơ quan BHXH.

Thiếu tướng Lê Minh Hiếu phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Lê Minh Hiếu phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị, Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ trong 6 tháng đầu năm 2023, có 6.722 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm tiếp nhận và giải quyết 741 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 11%), đang xử lý 598 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 8,9%), từ chối 5.383 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 80,1%) do người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và hồ sơ không đầy đủ theo quy định.

Sở còn phối hợp CATP triển khai thực hiện công tác hỗ trợ cho người yếu thế đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ và ngoài cộng đồng xã hội để cấp thông báo định danh, CCCD và giải quyết cư trú. Bước đầu đã cấp khoảng 300 CCCD và đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục có liên quan để cấp định danh cá nhân cho các trường hợp đủ điều kiện

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chia sẻ dữ liệu đăng ký doanh nghiệp cho các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức thông qua “Cổng thông tin doanh nghiệp”; phối hợp chặt chẽ với CATP để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện chuyển cơ sở dữ liệu dự án có vốn đầu tư nước ngoài lên hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của TP. Bên cạnh đó, sở cũng đã triển khai Phần mềm “Cổng thông tin doanh nghiệp”, thông qua phần mềm này các sở, ngành sẽ được cập nhật và truy xuất thông tin về doanh nghiệp.

Sở Y tế tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Công an để thực hiện công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng trước khi kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, kể từ ngày 01/01/2023 Sở Y tế tổ chức thực hiện liên thông sức khỏe lái xe theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 54/60 Bệnh viện trên địa bàn TP. Phối hợp CATP đã triển khai có hiệu quả mô hình thông báo lưu trú trên phần mềm ASM tại một số bệnh viện trong đó có các bệnh viện tuyến đầu như: Bệnh viện Chợ rẫy, Đại học Y dược thành phố, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…, tích cực góp ý Cục Cảnh sát quản lý hành chính hoàn chỉnh phần mềm ASM để góp phần nâng cao hiệu quả khi triển khai nhân rộng cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an ghi nhận, biểu dương Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM về những kết quả đạt được, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, TP cần tập trung triển khai 43 mô hình điểm ở giai đoạn 2 với sự nhập cuộc cao nhất của cả hệ thống chính trị. Thiếu tướng khẳng định Cục cảnh sát Quản lý hành chính sẽ gắn kết, đồng hành cùng TP.HCM để thực hiện tốt 8 nhiệm vụ của địa phương cùng 43 mô hình điểm trong giai đoạn 2.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị

Với vai trò là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định kết quả thực hiện Đề án 06 không thể che giấu bởi nó thể hiện qua đánh giá của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức…, chính vì vậy cần hoàn thiện các nội dung công tác để đảm bảo chất lượng của việc thực hiện Đề án 06 cao nhất có thể. Để làm được điều đó, TP.HCM cần chủ động giải quyết đến nơi đến chốn các công việc, những vấn đề vượt thẩm quyền cần đề xuất, kiến nghị cấp trên hỗ trợ để công việc không bị tắc. Phải phân ra từng công việc một, công việc nào cần dứt điểm trước thì dứt điểm trước. Không ngừng hoàn thiện, không làm xong kiểu cho có mà phải rà soát lại xem làm đã tốt chưa, sao cho công việc ngày một hiệu quả hơn, năng suất hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo hội nghị

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi hoan nghênh nỗ lực của các cấp, các ngành,các địa phương trong suốt thời gian qua, đồng thời yêu cầu sự nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh, việc triển khai, thực hiện Đề án 06 không phải của riêng CATP hay Sở Thông tin và Truyền thông, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Lãnh các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và Chủ tịch xã phường phải trực tiếp chỉ đạo, phải có sự thống nhất để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Trong công việc phải hết sức chủ động, phần việc của mình thì mình tập trung làm, vướng ở đâu thì cùng gỡ, với những vấn đề vượt thẩm quyền thì chủ động đề xuất để cấp trên có hướng dẫn.

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-so-luong-cong-dan-lap-ho-so-tren-cong-dich-vu-cong-ngay-cang-tang_148943.html