TPHCM nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI
Sáng 15/7, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến dự có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện các bộ, ban ngành trung ương; lãnh đạo TP qua các thời kỳ;…
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM..
Đây là hội nghị rất quan trọng, là dịp để Thành phố nhìn lại, đánh giá lại tình hình, kết quả, mặt được, chưa được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, dự báo bối cảnh, thời cơ và thử thách, đồng thời bàn những giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho đầu tư phát triển, giải quyết cơ bản những vấn đề và phát sinh.
Từ đó, người đứng đầu Thành ủy TPHCM gợi mở những vấn đề để Hội nghị quan tâm thảo luận.
Về tình hình, TPHCM đã đi qua nửa đoạn đường của Đại hội Đảng bộ lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp: Đại dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả chưa từng có tiền lệ với những khó khăn, vướng mắc, tồn tại ở bên trong của Thành phố, tạo ra thử thách quá lớn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.
Dẫn ra những nguyên nhân giúp Thành phố vượt qua được đại dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, có thể thấy rõ đó là nguồn lực nội sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống nhân nghĩa và quan trọng hơn đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cơ quan Trung ương, sự chi viện từ các địa phương, của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Ông đề nghị Hội nghị xem xét còn có nguyên nhân nào cần đánh giá sâu sắc, toàn diện để có bài học quý giá thời gian tới.
Ngoài ra, Bí thư TPHCM cũng đề nghị Hội nghị đánh giá các kết quả thực hiện về các lĩnh vực kinh tế; văn hóa; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác phòng chống suy thoái, chống tham nhũng, tiêu cực…
Cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế TPHCM
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, có 2 điểm tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về kinh tế-xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua.
Thứ nhất, kinh tế TPHCM có lúc đạt được tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân chung của cả nước nhưng đã suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy trong quý I năm 2023.
Qua phân tích, Thành phố đánh giá thời điểm quý I năm 2023 là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại, tích tụ qua nhiều năm do cơ chế kinh tế Thành phố chậm được tái cơ cấu, do thể chế quản lý đô thị còn bất cập.
Ông Mãi cho rằng, đây là vấn đề phải hết sức tập trung, phân tích làm rõ và có giải pháp thời gian tới. Phải đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế Thành phố, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, đặc biệt đối với Thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu dân.
Thứ 2, đó là việc chậm đầu tư triển khai các công trình, dự án đồng bộ để hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho Thành phố. Ông Mãi dẫn lời Bí thư Thành ủy TPHCM từng nói, "3 đột phá chiến lược từ thể chế, hạ tầng đến nguồn nhân lực đều có điểm nghẽn và biểu hiện rõ nhất ở TPHCM. TPHCM nghẽn nhiều nhất và bộc lộ điểm yếu rõ ràng nhất".
Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, theo dự báo, những tiền đề mà Thành phố tạo ra từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, từ các nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách của các cơ quan Trung ương đến các nỗ lực của Thành phố đều sẽ phục hồi trở lại và Thành phố sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia cho rằng kinh tế TPHCM đang phục hồi và sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026.
Ngoài ra, vị trí địa kinh tế cũng như các chủ trương, chính sách mới cộng với các chính sách mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và sẽ là điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.