TPHCM: Ô nhiễm từ những bãi rác lộ thiên

Hiện TPHCM có 31 trạm trung chuyển và hàng ngàn điểm tập kết rác lớn, nhỏ rải khắp các quận, huyện.

Điều đáng nói, phần lớn các trạm trung chuyển đều tận dụng công viên, lòng đường làm điểm tập kết rác, không chỉ làm mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thành phố mới có 5 trạm trung chuyển bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường, 26 trạm còn lại không đảm bảo yêu cầu về môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân xung quanh.

Ở TRONG NHÀ VẪN PHẢI ĐEO KHẨU TRANG

Bãi rác trên đường Điện Biên Phủ (đoạn nối với đường Ung Văn Khiêm, thuộc P25, Q.Bình Thạnh) tồn tại hàng chục năm qua, ngày càng phình to, thường xuyên bốc mùi hôi thối. Tại bô rác lộ thiên này, cứ độ 3 - 4 giờ chiều hàng ngày, có rất nhiều xe chở rác ra vào tấp nập.

Rác thải đủ loại thu gom trên địa bàn Q.Bình Thạnh được đưa về đây, chất trên những chiếc xe ba gác thô sơ xếp thành hàng dài. Do không được che chắn kín, rác đang phân hủy bốc mùi nồng nặc bay thẳng vào nhà dân. Trong khi đó, vào đầu giờ chiều, cách khoảng 2 - 3 tiếng mới có một chiếc xe tải chuyên dụng tới thu gom rác.

Nước rỉ ra từ bãi rác trên mặt đường Điện Biên Phủ

Nước rỉ ra từ bãi rác trên mặt đường Điện Biên Phủ

Bô rác này còn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Từ bô rác lộ thiên chỉ cách khu dân cư khoảng 5 - 7m. Buổi chiều, khi các xe rác tập trung về nhiều, hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực phải đóng kín hết cửa ra vào lẫn cửa sổ, nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Mùi hôi theo gió len lỏi vào mọi ngóc ngách trong nhà.

Nhiều người dân chịu không nổi, phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Chưa kể nước rỉ từ rác chảy thẳng ra môi trường xung quanh, ruồi, chuột xuất hiện khắp nơi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của cộng đồng. Một số người ở đây không chịu nổi mùi rác ô nhiễm, phải bán nhà chuyển đi nơi khác.

Xe rác tập trung về đường Điện Biên Phủ

Xe rác tập trung về đường Điện Biên Phủ

Mỗi lần đi ngang đường Ung Văn Khiêm ngay góc cua giáp đường Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến nhiều người tham gia giao thông phải lấy tay bịt mũi, nhăn mặt, lái xe thật nhanh vì mùi hôi thối bốc ra từ bô rác này.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có khoảng 9.000 - 9.500 tấn rác thải/ngày. Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành chỉ có 50 - 70% lượng rác thải được thu gom đến các bãi rác tập trung. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ thu gom đạt 85 - 90%. Lượng rác tồn đọng cũng góp phần làm thành phố thêm ô nhiễm.

Trong khi đó, đường Điện Biên Phủ nối đường Ung Văn Khiêm chạy ra đường Nguyễn Hữu Cảnh (khu Tân cảng Sài Gòn cũ) là một trong những trục đường chính của Q.Bình Thạnh, đông đúc dân cư. Tình trạng mất vệ sinh từ bô rác này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tuy là ô nhiễm nặng, nhưng họ phải chịu đựng cảnh này gần hai chục năm nay.

Chị Trần Thị Thu Hải (nhà tại khu vực trên) chia sẻ: "Gia đình tôi sống ở đây hơn 30 năm, phải hứng chịu mùi hôi thối từ bô rác. Rác tập kết về trạm trung chuyển này ngày càng nhiều, làm ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vì gia đình tôi không có điều kiện chuyển đi nơi khác, chứ nếu có điều kiện thì chúng tôi cũng không dám ở gần bãi rác này. Khổ nỗi, bãi rác ô nhiễm nặng nhất lại rơi vào lúc chiều tối, đúng giờ ăn cơm tối...".

Bãi rác lộ thiên ở quận Bình Thạnh

Bãi rác lộ thiên ở quận Bình Thạnh

Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Hoàng Hải (cán bộ hưu trí) ngao ngán: "Từ một bãi đất trống bị người dân lén lút đổ rác, bô rác tại P25, Q.Bình Thạnh ngày càng phình to và mặc nhiên trở thành "kho rác" của quận từ lúc nào không hay. Đến năm 2000, chính quyền thành phố đồng ý cho hình thành bãi tập kết rác tạm này. Mùi hôi từ bô rác làm tôi nhức đầu, có lúc đổ bệnh".

CÔNG VIÊN, LÒNG ĐƯỜNG THÀNH NƠI CHỨA RÁC

Lề đường Hùng Vương giáp ranh với công viên Âu Lạc (Q5) được Công ty Dịch vụ công ích Q5 tận dụng làm địa điểm trung chuyển rác. Dù đã gần trưa, mùi hôi thối từ bô rác này bốc lên hăng hắc.

Theo quan sát của chúng tôi, bô rác này chứa rác lộ thiên, không có mái che, nước rỉ rác chảy lênh láng. Nhiều người đi đường ngang qua khu vực này phải bịt mũi vì khó chịu. Anh Nguyễn Văn Hùng (công nhân thu gom rác của Công ty Dịch vụ công ích Q5) cho biết, mỗi ngày 3 lần, công nhân phải xịt thuốc khử mùi nhằm giảm thiểu mùi hôi, nhưng vẫn không ăn thua.

Rác thải lấn xuống đường phố.

Rác thải lấn xuống đường phố.

Lý do tập kết rác ngay trên lề đường Hùng Vương là do Công ty Dịch vụ công ích Q5 không tìm được địa điểm nào khác để tập kết rác. Do khu vực Q5 có nhiều chợ, lại đông dân cư nên mỗi ngày lượng rác thải càng nhiều. Hằng ngày, rác sinh hoạt trên địa bàn Q5 được thu gom, tập kết về đây, trung bình mỗi ngày khoảng 50 tấn rác. Khổ nhất là những hộ dân sống gần đây, hằng ngày phải hít mùi hôi từ bô rác.

Anh Nguyễn Văn Đại (nhà gần công viên Âu Lạc) bức xúc cho rằng, công viên là nơi thư giãn, tập thể dục, nhưng Công ty Dịch vụ công ích Q5 lại lấy làm nơi chứa rác. Do nước rỉ rác đọng thành vũng, mùi xông lên nồng nặc nên người dân không dám vào công viên vui chơi. Vào sáng sớm hay chiều muộn, các xe thu gom rác lại về đây chờ "ăn hàng". Khoảng 2 - 3 tiếng mới có một chiếc xe tải đến thu gom rác chở về các bãi chôn lấp, xử lý. Thời gian rác chờ vận chuyển về bãi quá lâu, khiến tình trạng ô nhiễm tại bô rác này rất nặng.

Rác thải nguy hại được đổ ra môi trường

Rác thải nguy hại được đổ ra môi trường

BÔ RÁC "NUÔI" THÊM Ổ CHUỘT

Tại điểm trung chuyển rác trên đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Trần Quang Diệu), nhiều năm nay, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị di dời. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa biết dời điểm trung chuyển rác này đi đâu vì không tìm được địa điểm phù hợp. Ghi nhận tại đây vào giờ cao điểm, ngoài "núi" rác đổ tràn ra mặt đường, còn có nước rỉ rác đen ngòm đọng lại, kéo dài một đoạn đường.

Anh Trần Công Hoàn (công nhân Công ty Dịch vụ công ích Q3) cho biết: "Ngoài số rác mà công nhân thu gom từ 2 phường 27 và 28 của Q3, mỗi đêm chúng tôi phải thu gom thêm lượng rác khá lớn mà người dân vứt bừa bãi ra đường. Rác ở đây hầu hết là rác thải thu gom từ các chợ, công trình, như: xà bần, ván tạp, chất thải nguy hại... Nếu số rác này không được vận chuyển đi sẽ phân hủy, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân".

Rác tràn lan trên vỉa hè.

Rác tràn lan trên vỉa hè.

Chỉ tay về những bãi rác lộ thiên, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ Q3) nói: "Không thể tưởng tượng mùi rác thải hôi gắt đến cỡ nào. Đêm nào cũng vậy, xe rác vừa di chuyển là lại có người đến vứt rác, tới sáng lại xuất hiện một "núi" rác mới. Đoạn đường này không bao giờ khô ráo dù nắng nóng, do lượng nước rỉ rác rất lớn. Chuột từ điểm trung chuyển rác chạy thành đàn vào nhà dân, tấn công, cắn phá đồ đạc, gây ô nhiễm. Mà chuột là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh, nên người dân rất lo lắng".

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM:

Thành phố đã phân cấp cho UBND 24 quận, huyện quản lý, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, quy trình thực hiện, phương tiện thu gom, vận chuyển mỗi nơi mỗi khác, không có sự đồng bộ, thống nhất. Do các khâu không có sự phối hợp chặt chẽ nên rác thải bị ứ đọng tại những điểm tập kết, gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Còn việc thu gom rác từ khu dân cư, phần lớn do các đơn vị dân lập thu gom, đưa về điểm tập kết. Nguyên nhân gây ô nhiễm tại các điểm trung chuyển một phần do phương tiện thu gom lạc hậu, cũ kỹ, rác rơi vãi trên đường. Để khắc phục tình trạng này, từ nay đến năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, vận chuyển rác.

Nam Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/o-nhiem-tu-nhung-bai-rac-lo-thien_88205.html