'TPHCM phải trở thành trung tâm khám chữa bệnh của ASEAN'
Nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho TPHCM là tiền đề tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho y tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành y tế TPHCM theo hướng y tế chuyên sâu và cung cấp những dịch vụ phong phú để đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng cao của người dân TPHCM và cả nước.
Sáng nay (19/10), tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”.
Đóng góp một phần trách nhiệm
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong - đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo cho biết, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 31 về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó đã đề cập đến nhiệm vụ phát triển hệ thống y tế TPHCM đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, phát triển một số lĩnh vực và tiếp cận trình độ mới hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Theo đó, ngành y tế TPHCM đã triển khai rốt ráo và làm được một số việc cụ thể.
Nhà báo Lê Xuân Sơn khẳng định, với tư cách là một cơ quan truyền thông, báo Tiền Phong muốn đóng góp một phần trách nhiệm vào sự phát triển của TPHCM và lĩnh vực y tế nói riêng.
“Nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho TPHCM là tiền đề để tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho y tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành y tế TPHCM theo hướng y tế chuyên sâu và cung cấp những dịch vụ phong phú để đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng cao của người dân TPHCM và cả nước. Cùng với đó cũng đào tạo đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao, đầu tư vào các kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu đáp ứng nhu cầu hiện nay”, nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết thêm, ở hội thảo này, Ban Tổ chức muốn đặt ra yêu cầu TPHCM trở thành trung tâm khám chữa bệnh của ASEAN. TPHCM là trung tâm liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và rộng ra là toàn bộ khu vực phía Nam. Nhiệm vụ phát triển TPHCM trở thành trung tâm y tế, khám chữa bệnh khu vực ASEAN… phải đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng.
Cũng theo nhà báo Lê Xuân Sơn, những năm qua, ngành y tế đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, mũi nhọn mà thế giới cũng học hỏi. Tuy nhiên ngay trong nước, nhiều người vẫn không biết đến những thành tựu này, đặc biệt các cơ sở y tế đã đầu tư rất nhiều, kể cả các cơ sở y ngoài công lập.
Người bệnh vẫn có xu hướng đổ ra nước ngoài, làm tiêu tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực của đất nước bị đổ ra nước ngoài khoảng 2 tỷ USD. Trước bối cảnh đó, Ban tổ chức đã mời đến hội thảo rất nhiều chuyên gia y tế, cơ quan truyền thông, cùng các bạn sinh viên cùng tham gia và trao đổi, đóng góp.
Mong muốn góp sức
Phát biểu chào mừng, PGS. TS Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thay mặt lãnh đạo nhà trường, hân hoan chào đón đại biểu đến tham dự Hội thảo khoa học “Để Việt Nam trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN”.
Theo ông Cường, cách đây 3 tháng, vào ngày 17/6, tại “Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM” được tổ chức tại TPHCM, vấn đề “Nỗ lực đưa Việt Nam trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN” cũng đã được nêu lên và nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học.
Các giải pháp để biến ý tưởng này trở thành hiện thực được trình bày tại hội nghị này, như đầu tư cơ sở hạ tầng y tế hiện đại, xây dựng hệ thống quản lý y tế hiệu quả, xây dựng hợp tác quốc tế bao gồm hợp tác với các quốc gia và tổ chức ASEAN và trên toàn thế giới, phát triển du lịch y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam để chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh quảng bá các dịch vụ y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đến khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra còn có hai ý kiến quan trọng. Một là tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực y tế, tạo điều kiện thu hút và giữ chân các chuyên gia y tế tài năng từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường.
Thứ hai là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển y tế. Tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu y tế, cải tiến công nghệ y tế và phát triển sản phẩm y tế mới. Hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp y tế trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển y tế.
“Hai ý kiến này sẽ được đề cập trong tham luận của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tại hội nghị hôm nay”, ông Cường nói.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có hơn 40 ngành đào tạo đại học. Trong đó có 8 ngành thuộc khối sức khỏe là Y, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Dược học, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Nhà trường còn đào tạo 17 ngành sau đại học từ chuyên khoa 1, thạc sĩ đến tiến sĩ. Trong đó có 9 mã ngành thuộc khối ngành sức khỏe, gồm 3 mã ngành thạc sĩ (Dược lý và Dược lâm sàng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học) và 6 mã ngành chuyên khoa cấp 1 (Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dược lý và Dược lâm sàng, Dược liệu - Dược cổ truyền, Tổ chức quản lý dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng).
Chỉ tính riêng khối ngành sức khỏe, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có quy mô đào tạo trên 6000 sinh viên, gần 500 học viên sau đại học với hơn 300 cán bộ, giảng viên, nhân viên phục vụ hoạt động đào tạo. Trong đó có nhiều giáo sư, phó giáo sư, giảng viên đầu ngành.
“Với số ngành đào tạo nhiều, số sinh viên, học viên, số giáo sư, giảng viên đông đảo như thế, chúng tôi hy vọng sẽ cùng với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe tại TPHCM và cả nước đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khối ngành sức khỏe, góp phần biến Việt Nam trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN như chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế...”, ông Cường nói.