TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp - Bài 2: Trầy trật xây trường

Thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp của UBND TPHCM, trung bình mỗi năm, TPHCM đưa vào sử dụng thêm từ 1.000-1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, trước áp lực đô thị hóa nhanh, trong khi công tác xây dựng trường lớp còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp, nhiều nơi duy trì sĩ số trên 50 học sinh/lớp.

Những dự án treo

Theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận Tân Bình, phường 15 được quy hoạch xây dựng cụm trường gồm Trường Tiểu học Phan Huy Ích, Trường THCS Trần Thái Tông (đường Cống Lở), trường THCS tại khu đất Nhà máy nước đá Tân Sơn và Trường THPT Tân Sơn (khu đất phía Đông Bắc đường Hoàng Bật Đạt).

“Sau gần 20 năm quy hoạch, quận mới khởi đông xây mới được 1 trường tiểu học. 3 trường còn lại chưa khởi công xây mới vì gặp khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho các hộ dân trong diện quy hoạch, di dời”, Phó Chủ tịch UBND phường 15 Nguyễn Tất Hải cho hay.

Quá tải sĩ số tại một lớp học của Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)

Quá tải sĩ số tại một lớp học của Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)

Cũng theo ông Nguyễn Tất Hải, hàng năm khi UBND và Ủy ban MTTQ phường tổ chức “Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”, loạt dự án treo này đều được nhắc lại. Quận Tân Bình đã có nhiều buổi làm việc với 81 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án xây trường, nhưng do hệ số giá đất bồi thường cho các hộ dân quá thấp nên người dân chưa đồng thuận. Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xây trường trong cụm dự án, UBND quận đã giao Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng khu vực Tân Bình thuê đơn vị tư vấn, tiếp tục thu thập thông tin về các giao dịch đất nông nghiệp trên địa bàn quận và các quận lân cận để có hướng xử lý phù hợp. Hiện nay, quận Tân Bình đã đăng ký vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện cụm dự án này.

Do khu vực phường 15, quận Tân Bình không xây được trường THCS nên học sinh phải xin về các trường THCS trên địa bàn lân cận. Thầy Tôn Thất Nhân Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình) cho biết, trường được xây mới với quy mô 45 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng trên diện tích gần 13.000m2 theo mô hình tiên tiến hội nhập. Tuy nhiên, từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, năm nào trường cũng phải gánh học sinh cho phường 15, một phần học sinh phường 12 và 14 với 75 lớp dẫn đến hiện tại đã vượt ngưỡng quy mô số lớp trong một trường học.

Tương tự, dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1) bị treo gần 17 năm nay, hiện chưa biết khi nào có thể khởi công. Đây là dự án tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố với 3 mặt tiền là các con đường lớn gồm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Phạm Ngũ Lão. Ngôi trường hiện có diện tích khuôn viên rộng khoảng 6.000m2 và được xây dựng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, mỗi năm được bố trí kinh phí chống thấm dột nhưng phòng học vẫn ẩm thấp, thiếu ánh sáng... Hiện trường có hơn 30 phòng học và một số phòng chức năng, chỉ đủ giải quyết cơ bản nhu cầu về chỗ học cho khoảng 1.400 học sinh.

Về dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann, đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm 2007, thành phố đã tổ chức đấu giá khu vực “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (quận 1) với tổng diện tích khoảng 13.000m2. Trường THPT Ernst Thälmann nằm trong khu vực đấu giá nên thành phố đã có kế hoạch di dời trường sang nơi khác. Đến năm 2009, Trường THPT Ernst Thälmann được dự tính chuyển đến một khu đất nằm ở đường Bến Chương Dương (quận 1). Tuy nhiên, khu đất này hẹp, diện tích không đủ để xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Kể từ đó, dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann “giậm chân tại chỗ”.

Đụng đâu vướng đó

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho biết, năm 2021, toàn quận có hơn 690.000 dân, mật độ dân số nơi đông nhất lên đến gần 60.000 người/km2, thấp nhất 22.500 người/km2. Quận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất trống, đất làm nhà xưởng, cơ sở sản xuất hoạt động không hiệu quả do Nhà nước quản lý trên địa bàn quận còn hạn chế nên địa phương phải quy hoạch trường học tại các vị trí đất nhà ở của hộ gia đình, cá nhân quản lý để đảm bảo quỹ đất cho giáo dục. Trong khi đó, các quy định hiện nay về đền bù, giải tỏa mặt bằng có độ vênh lớn giữa đất trong khu vực quy hoạch trường học và đất quy hoạch nhà ở, dẫn đến đơn giá bồi thường chênh lệch, các hộ gia đình không đồng thuận khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Dẫn chứng dự án xây mới Trường Tiểu học phường 12, bà Đào Thị My Thư chia sẻ, theo kế hoạch, công trình có tổng diện tích đất cần thu hồi là 4.860m2 gồm đất của 5 hộ gia đình và một khu đất 78 ngôi mộ do 12 thân nhân làm đại diện. Dự án bắt đầu triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2012, nhưng nhiều lần bị “ách” lại. Lần thứ nhất khi Luật Đất đai năm 2013 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014) ra đời khiến dự án phải tạm dừng chờ hướng dẫn mới. Lần thứ hai, các hộ dân không đồng ý đơn giá bồi thường. Người dân đề nghị phương án hoán đổi đất hoặc giữ lại một phần đất của gia tộc để mưu sinh ngay tại vị trí đất xây dựng trường học. “Sau rất nhiều lần điều chỉnh, các khó khăn lần lượt được tháo gỡ. Dự kiến quận sẽ khởi công dự án này trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2024 sau hơn 10 năm triển khai”, bà My Thư cho biết.

Tại quận 1, khi địa phương triển khai kế hoạch mua lại đất của các hộ dân liền kề để thực hiện dự án mở rộng Trường THCS Văn Lang, người dân đã đồng ý, nhưng sau đó do thủ tục chuyển đổi quá nhiêu khê, thời gian thực hiện kéo dài nên người dân không bán nữa. Đến nay, dự án tiếp tục “đắp chiếu”. Lãnh đạo các địa phương bày tỏ, do quỹ đất khu vực nội thành khan hiếm và được định giá là “đất vàng” nên kế hoạch cải tạo, mở rộng diện tích đối với các ngôi trường nhỏ, lẻ, xuống cấp, đụng đâu vướng đó.

Khu vực vùng ven ngoại thành, việc thiếu trường lớp, quá tải học sinh cũng “nóng bỏng” không kém. Quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn chịu nhiều áp lực trong tăng dân số cơ học, nhiều dự án xây mới trường lớp không thi công được vì thiếu vốn, vướng đền bù giải phóng mặt bằng... Tại huyện Bình Chánh, 3 xã Vĩnh Lộc A (gần 170.000 dân), Vĩnh Lộc B (trên 146.000 dân), Phạm Văn Hai (khoảng 40.000 dân) là những địa phương “vỡ trận” vì thiếu trường lớp, quá tải học sinh. Tính riêng số học sinh tiểu học và THCS của 3 xã này là gần 33.000 em, nhưng chỉ có 10 trường tiểu học và 5 trường THCS công lập. Trường học phải trưng dụng, cải tạo phòng chức năng thành phòng học để tổ chức dạy học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, địa phương mới đạt tỷ lệ 211 phòng/10.000 dân. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2025, huyện có 16 dự án trường học xây mới nhưng đến nay mới chỉ triển khai được 7 trường. Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện có 17 dự án xây trường, song đến nay chưa được ghi vốn.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam kiến nghị TP Thủ Đức và 21 quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế tại địa phương. Trong đó, cần tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cơ học cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

_____

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 12-2022, thành phố có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, mục tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) chưa triển khai đồng đều giữa các bậc học và quận, huyện. Trong đó, một số địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra, song có nơi tỷ lệ còn rất thấp. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm, chưa triển khai quyết liệt của các quận, huyện.

Thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), cho biết, trường có quy mô 50 lớp học, đầy đủ phòng chức năng để tiếp nhận trên 1.900 học sinh. Do áp lực tăng dân số cơ học, hiện học sinh toàn trường tăng 3.224 em, tương ứng 78 lớp, trong khi trường chỉ có 30 phòng học đúng quy cách, còn lại 9 phòng học được cải tạo lại từ các phòng chức năng mới đảm bảo đủ chỗ học 1 buổi/ngày cho học sinh toàn trường.

“Phụ huynh khổ cực vì phải bỏ công ăn việc làm để ngày 2 buổi chạy về trường đưa đón con, giáo viên nhà trường cũng khổ không kém do quá tải học sinh nên trường không tổ chức được công tác bán trú, giáo viên phải dạy thêm ngày thứ bảy”, thầy Huỳnh chia sẻ.

QUANG HUY - THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-qua-20-nam-xay-truong-mo-lop-bai-2-tray-trat-xay-truong-post685309.html