TPHCM: Quyết tâm chính trị cao để thực hiện các nội dung lớn có tính chất đột phá, vượt trội

Phát biểu tại buổi họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phiên họp thứ 3 và tổ tư vấn xây dựng đường sắt đô thị phiên đầu tiên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng muốn làm đề án đường sắt đô thị hay nói chung là những nội dung lớn có tính chất đột phá, vượt trội thì đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao và không chỉ là của TP mà phải là từ Trung ương.

Ngày 15/12, ông Phan Văn Mãi-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phiên họp thứ 3 và tổ tư vấn xây dựng đường sắt đô thị phiên đầu tiên.

Làm theo cách cũ phải mất 100 năm mới xong 220 km đường sắt đô thị

Về chủ đề hệ thống đường sắt đô thị, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TPHCM có 220km và quy hoạch này đã gần 20 năm. Riêng triển khai tuyến metro 1 đã mất 15-16 năm, TP “loay hoay” làm được gần 20km. “Nếu làm theo cách này, mỗi tuyến đi vay nguồn ODA, mất 5 đến 7 năm chuẩn bị, xây dựng 5 đến 7 năm, thì 50 đến 70 năm, thậm chí 100 năm mới làm xong. Điều này không thể chấp nhận được” - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

Quang cảnh buổi họp

Quang cảnh buổi họp

Vừa qua, Bộ Chính trị có Kết luận 49, trong đó đặt ra mục tiêu mốc thời gian là đến năm 2035 TPHCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, đây là định hướng chính trị quan trọng và TPHCM thực hiện Kết luận 49 dựa vào Nghị quyết 98 để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội để triển khai. HĐND TP ban hành các định mức, quy mô vốn cho các dự án PT, OPT, cách làm để thu hút các nhà đầu tư để triển khai nhanh chóng và khâu thực hiện sẽ là trọng tâm trong năm 2024.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị Hội đồng tư vấn trong quá trình nghiên cứu đề xuất cho TP cơ chế chính sách cho TP cách tổ chức thực hiện hiệu quả, thực thi rất quan trọng. Trong đó từ thực tiễn của TP, có quy định pháp luật chưa rõ thì TP nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như bàn về phát triển đường sắt đô thị là nội dung cần vận dụng thực hiện Nghị quyết 98.

Góp ý các nội dung về xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đề án phải xây dựng hết sức sâu sắc, toàn diện, xác định rõ các thuận lợi, vướng mắc thực hiện trên cơ sở ý kiến giữa các sở, bộ ngành, bài học kinh nghiệm từ các nước khác. Cơ sở thực hiện rất cần thiết để đề án triển khai khả thi, như vậy mới không phá tất cả hệ thống pháp luật. Đề án xây dựng phải nằm rong bối cảnh bức tranh tổng thể đô thị chứ không riêng đường sắt.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông cho rằng việc hoàn thành 20 km tuyến metro là hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa với các đô thị trong khu vực. Ông Đặng Huy Đông đề xuất 6 nhóm chính sách với nhiều cơ chế cụ thể trong quá trình TP xây dựng đề án thực hiện. Trong đó, đề xuất cho phép TPHCM được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD (TOD - phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán) nhằm tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro; trao thẩm quyền cho TP ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch 1/500 của dự án để kết hợp phát triển chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD, theo nguyên tắc đảm bảo đời sống và chỗ ở người dân bị thu hồi đất.

Cho phép TP giữ lại nguồn thu từ đấu giá quyền phát triển dự án; cho phép TP lựa chọn, phê duyệt và áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn về đường sắt đô thị phổ biến nhất trên thế giới để đảm bảo thu hút nhiều nhà cung cấp, nâng cao tính cạnh tranh để có giá thành tốt nhất…Những cơ chế đặc thù vượt trội sẽ là những lợi ích to lớn cho TPHCM để hoàn thành mục tiêu 200 km metro, tiết kiệm 10 tỷ đô la tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay, hoàn toàn bằng vốn trong nước, không dẫn đến nợ quốc gia… Dự án cần được thực hiện trong một khung khổ pháp lý mới theo kiểu “may đo” riêng cho TPHCM.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu

TS Nguyễn Sĩ Dũng- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề xuất nên đưa hai công trình đường sắt đô thị TPHCM và Hà Nội vào quy chế công trình trọng điểm quốc gia, thì trách nhiệm Trung ương mới rõ được. Thách thức lớn là thách thức quản trị. Vì quản trị một dự án lớn như vậy năng lực quản trị rất quan trọng, trong Đề án cần nói rõ về quản trị. Lãnh đạo TPHCM phải là một phần rất quan trọng trong quản trị này. Cơ chế quản trị phải có một Ban Chỉ đạo và lãnh đạo TP phải nằm trong ban chỉ đạo này. Trong đề án, cần có chiến lược truyền thông về dự án, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới gõ cửa được. Từ đó mới nhận được sự ủng hộ của người dân.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân- trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, cần đề xuất các thể chế, cơ chế đặc thù trình Trung ương lưu ý những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án đường sắt đô thị. Làm sao đẩy mạnh phân cấp trọn gói cho Hà Nội và TPHCM để tháo gỡ. Sau cùng, cần có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực cho ngành đường sắt và nhân lực cho việc vận hành, quản lý đường sắt.

Nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận sự hoạt động hiệu quả của Hội đồng tư vấn đã thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 98 nhanh hơn, đúng hướng hơn và có sản phẩm cụ thể. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng muốn làm đề án đường sắt đô thị hay nói chung là những nội dung lớn có tính chất đột phá, vượt trội thì đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao và không chỉ là của TP mà phải là từ Trung ương. Từ Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM cho đến Nghị quyết 98 và khi có Nghị quyết 98 đều có Ban Chỉ đạo của cả Trung ương và TPHCM. Điều này cho thấy Trung ương rất quan tâm, xác định vị trí, vai trò của TP và tạo những điều kiện phù hợp để TP phát triển xứng tầm.

Đối với dự án đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị cần tập trung hoàn thiện đề án, thông qua ở TPHCM xong và báo cáo Bộ Chính trị để có sự ủng hộ và lãnh đạo, và đây là cơ sở chính trị để TP tiếp tục triển khai các bước pháp lý phía sau. Tương tự, các vấn đề lớn khác tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cơ quan thẩm quyền, tạo chỗ dựa chính trị để triển khai. Trung ương và TP đang rất quyết tâm, vấn đề là phải chọn trọng tâm và kịp thời báo cáo để triển khai.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 sắp tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, trong năm 2024, cần tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể. Để khi có dự án, công trình cụ thể và triển khai thành công sẽ có sức thuyết phục rất lớn. Đối với đề án đường sắt đô thị cần kiên trì lộ trình như đã bàn, còn nhiều vấn đề khác như cơ chế tài chính, cơ chế phát triển công nghiệp phụ trợ ra sao, cơ chế tổ chức quản lý như thế nào, quy trình phát triển ra sao… Chúng ta làm đồng thời, song song sẽ đảm bảo được tiến độ. Hay trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đang là nhiệm vụ rất lớn. Nếu làm được sẽ có sức thuyết phục cao.

Đối với nhóm các công việc có tính chất về mặt thể chế, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị phải tập trung hoàn thiện đề án nền công vụ TPHCM. Năm 2024 sẽ tập trung hoàn thiện đề án này để tổ chức triển khai, tất nhiên đi liền là đào tạo và nhiều việc khác chuẩn bị để làm. Từ năm 2024 tới, TP bắt đầu khởi động nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TPHCM. Hiện TP đã có Nghị quyết 98, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần và đang chờ đợi một khung pháp lý. Nếu tập trung trong năm 2024, trong năm 2025, thì sau 3 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 98 có thể phát triển lên ở một khung pháp lý đủ lớn để quản trị đô thị đặc biệt TPHCM.

Lê Ngân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/can-quyet-tam-chinh-tri-cao-de-thuc-hien-cac-noi-dung-lon-co-tinh-chat-dot-pha-vuot-troi_156628.html