TPHCM: Sắp đưa vào sử dụng máy 'bắt bệnh' cây xanh
Đây là một thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để hình dung các 'khuyết tật' của gỗ.
Liên quan đến vụ cây xanh thuộc họ dầu bị gãy nhánh, khiến 5 người thương vong, xảy ra tại Công viên Tao Đàn (quận 1) ngày 9-8 vừa qua, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết đơn vị đang từng bước nghiên cứu đầu tư trang bị 1 máy kiểm tra “khuyết tật” cây xanh để có thể kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, hư hại của cây trong thời gian tới.
Ông Sơn thông tin, trước mùa mưa bão, đơn vị tăng cường công tác mé nhánh xụ, nhánh nặng tàn, lấy nhánh khô nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh xảy ra gây thiệt hại về con người và phương tiện tham gia giao thông và các công trình công cộng khác. Ngoài ra, thực hiện công tác tuần tra phát hiện hàng ngày, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong công viên để phát hiện các khiếm khuyết, hư hại như: cây chết khô, cây nghiêng, sam, mục, bọng...
Việc phát hiện các khiếm khuyết cây xanh đô thị chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn của đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay đối với các nước tiên tiến đã sử dụng các thiết bị, máy móc để theo dõi đánh giá các khiếm khuyết của cây xanh trên cơ sở nghiên cứu khoa học để phục vụ cho công tác quản lý, chăm sóc hoặc thay thế cây xanh.
Do đó, đơn vị đang từng bước đầu tư trang bị 1 máy kiểm tra “khuyết tật” cây xanh. Đây là một thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để hình dung các khuyết tật của gỗ.
Hiện nay đơn vị cũng đang từng bước phối hợp các nhà khoa học chuyên ngành thử nghiệm, thu thập cơ sở dữ liệu đối với các chủng loại cây như: Sao đen, Dầu con rái, Lim sét, Sọ khỉ (loại 2,3) để phục vụ các bước phân tích, xây dựng quy trình đánh giá trên cơ sở khoa học nhằm phục vụ cho công tác quản lý cây xanh được tốt hơn.
Việc trang bị các thiết bị mới vào công tác quản lý cây xanh đô thị vẫn đang trong giai đoạn lấy mẫu. Kết quả phân tích đánh giá cần được kiểm tra một cách khoa học trên mẫu số đủ lớn để xây dựng đường chuẩn chính xác và việc phê duyệt qui trình chăm sóc, đánh giá cây xanh đô thị bằng phương pháp mới và cần được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-sap-dua-vao-su-dung-may-bat-benh-cay-xanh-post116337.html