TPHCM sẽ tập trung phát triển kinh tế biển

Tại hội thảo 'TPHCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế' do Ban Kinh tế Trung ương và UBND TPHCM phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng tương lai của TPHCM là nền kinh tế hướng ra biển.

 Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng tương lai của TPHCM là nền kinh tế hướng ra biển

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng tương lai của TPHCM là nền kinh tế hướng ra biển

Dựa trên phương pháp thiết lập bản đồ địa kinh tế - không gian, các chuyên gia đánh giá, TPHCM có nhiều yếu tố thuận tiện để xây dựng hệ thống đô thị cửa ngõ vùng của cả khu vực.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, thành phố cần đặt việc kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển. Việc này gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế, trong đó có vịnh Cần Giờ, là cơ hội thay đổi phương thức, mô hình phát triển từ dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thế mạnh của TPHCM trong tương lai là nền kinh tế hướng ra biển và kết nối với chuỗi đô thị quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua TPHCM đã đặt việc phát triển kinh tế biển gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được Chính phủ phê duyệt phát triển với quy mô 2.870 ha (Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư). Dự án này đã được khởi công vào năm 2007, đến nay chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 908 ha, giai đoạn 2 đang thực hiện với tổng diện tích dự kiến trên 1.577 ha.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo

Song song với đó, chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển vùng TPHCM. Hệ thống đô thị cửa ngõ này có thể kỳ vọng trở thành khu vực hoạt động kinh tế biển đầy tiềm năng, kết nối đủ mạnh, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.

Theo PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), xu thế hiện nay của các nước trên thế giới, có biển hay không có biển, đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển, tập trung ở các lĩnh vực như: tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo, an toàn và giám sát hàng hải, vận tải biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển…

Hiện nay, TPHCM đang đứng trước thách thức tới hạn về phát triển công nghiệp, bị thu hẹp khoảng cách với các tỉnh thành khác về chỉ số cạnh tranh. Chính vì thế, việc kết nối vùng để xây dựng kinh tế biển mạnh và bền vững cần có cơ chế cho liên kết vùng, đưa TPHCM trở thành trọng tâm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vị thế biển của TPHCM trong hệ thống các thành phố biển quốc tế, trở thành điểm đến quan trọng trên con đường thương mại liên đại dương.

Mô hình phát triển trong tương lai gần của TPHCM cần đặt kết nối vùng sao cho hiệu quả, để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistic gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của thành phố.

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tphcm-se-tap-trung-phat-trien-kinh-te-bien-20210330165154522.htm