TPHCM: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh
Sáng 21-3, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh năm học 2023-2024.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được triển khai theo Thông tư 50/2020 của Bộ GD-ĐT.
"Trong bối cảnh cả nước đang hội nhập quốc tế, việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen thêm một ngôn ngữ nhằm giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp là cần thiết. Trẻ được tạo cơ hội tiếp cận với tiếng Anh để thuận lợi hơn trong việc phát triển kỹ năng ở các bậc học cao hơn", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ làm quen tiếng Anh ở khu vực ngoại thành chưa cao. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ làm quen tiếng Anh ở các độ tuổi chưa đồng đều.
Cụ thể, toàn thành phố có 156.878 trẻ mẫu giáo tham gia chương trình làm quen tiếng Anh. Trong đó, trẻ từ 3-4 tuổi chiếm tỷ lệ 51,85%, trẻ từ 4-5 tuổi chiếm 55,52% và trẻ từ 5-6 tuổi chiếm 62,28%.
Đại diện Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ có khả năng bắt chước và học hỏi rất cao. Do đó, nếu không được tạo điều kiện phát triển kỹ năng ngôn ngữ trong giai đoạn này sẽ khiến trẻ mất nhiều thời gian hơn ở các bậc học cao hơn.
Từ thực tế triển khai ở các đơn vị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai theo đúng quy định và đạt hiệu quả, nhất là cơ sở ngoài công lập.
Bà Lý Thị Ngọc Sương, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, hiện nay các trường mầm non đang triển khai chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần, mỗi tiết 30 phút.
Trước khi tổ chức triển khai, cơ sở giáo dục phải khảo sát nhu cầu của cha mẹ học sinh, được thể hiện minh chứng qua danh sách phụ huynh đăng ký.
Trong quá trình thực hiện, đơn vị phải lưu trữ đầy đủ hồ sơ gồm giấy phép thành lập trung tâm, giấy phép hoạt động, bằng cấp chuyên môn, chứng nhận nghiệp vụ sư phạm mầm non của giáo viên…
Đặc biệt, khi phối hợp với các đơn vị tổ chức, nhà trường không phó thác hết trách nhiệm cho đơn vị tổ chức mà cần quan tâm kiểm tra hình thức, phương pháp hoạt động, chất lượng giáo viên và chương trình sử dụng, không để xảy ra tình trạng sĩ số học sinh/lớp quá đông, trẻ chỉ ngồi tại chỗ đọc theo giáo viên khiến tiết học không hiệu quả, không tạo hứng thú cho trẻ.
Về phía các địa phương, ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, nêu thực tế, việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh hiện nay chủ yếu gặp khó khăn ở các cơ sở ngoài công lập, nhóm lớp độc lập do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế.
"Tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả triển khai cần sự phối hợp đầu tư từ các nguồn xã hội hóa. Chúng tôi khuyến khích cơ sở giáo dục ký hợp đồng với từ 2 đối tác trở lên để tăng tính cạnh tranh, qua đó nâng cao chất lượng tổ chức. Trẻ học chương trình nào được đảm bảo xuyên suốt chương trình đó, không gây xáo trộn quá trình học tập của trẻ", đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình chia sẻ.