TPHCM tăng tốc giải ngân đầu tư công

UBND TPHCM vừa tổ chức hội nghị tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2023.

Hàng hóa được lưu thông tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Hàng hóa được lưu thông tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

GRDP 9 tháng tăng 4,57%

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM trong 9 tháng đầu năm cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TPHCM vẫn làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%. Đây là mức tăng trưởng đáng kể so với 2 quý trước đó (quý II tăng 5,87%; quý I tăng 0,7%). Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 4,57% so với cùng kỳ.

Các chỉ số kinh tế khác trong 9 tháng đầu năm tại “đầu tàu” TPHCM cũng có những cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp).

Theo báo cáo của UBND TPHCM, để có được những kết quả trên, Thành phố đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành phố cũng đã tổ chức triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra.

Hoạt động chuyển đổi số ở TPHCM cũng đạt nhiều kết quả tích cực khi đứng thứ 2 cả nước về lĩnh vực này.

Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo Nghị quyết 71 của HĐND TPHCM ban hành tháng 12/2022, dự kiến có 19 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

Cung cấp thêm thông tin về kinh tế TPHCM, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế khi đóng góp 7,03% trong quý III/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, khu vực này đóng góp 5,67%. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng là một kênh quan trọng mà Thành phố cần tập trung.

Ông Hoàng cho biết thêm, trong 9 ngành dịch vụ, duy nhất hoạt động bất động sản tăng trưởng âm, giảm 8,71%. Bất động sản suy giảm kéo theo ngành xây dựng giảm. Do đó, vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản là một nút thắt mà TPHCM cần giải quyết.

Ngành bất động sản được nhận định vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh là một dự án bất động sản đang được triển khai tại TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Ngành bất động sản được nhận định vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh là một dự án bất động sản đang được triển khai tại TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Nhiều thách thức

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, từ tháng 4 đến nay, một số động lực tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã có dấu hiệu khởi sắc, tiếp tục giữ được đà phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ, phù hợp với mức cải thiện hàng tháng.

Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định, sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí.

Tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quý và khởi sắc hơn trong 8 tháng; kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà, do tác động từ việc tăng lương cơ sở.

Hồi tháng 8/2023, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2023 với các mức tăng trưởng lần lượt là 6,08%, 6,47% và 7,46%.

Mới đây, trong báo cáo đánh giá, nhận định tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 9 tháng đầu năm, cơ quan này nhận định, việc TPHCM đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7,5% là một thách thức lớn. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay, nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế của Thành phố sẽ rơi vào kịch bản tăng trưởng 6,08%.

Báo cáo của UBND TPHCM cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực kinh tế - xã hội 9 tháng qua.

Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước và TPHCM cũng chịu ảnh hưởng.

Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%).

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%).

Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Thành phố cần thực hiện song song các giải pháp mang tính xoay xở, đối phó và các giải pháp mang tính lâu dài.

TPHCM cần tập trung triển khai hết được đầu tư công, “kích thích tiêu dùng khuyến mãi” để phát huy sức mua của người dân sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thành phố cũng cần tháo gỡ pháp lý cho các dự án, mở sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ như mua sắm xe công, thiết bị để tạo ra động lực kích cầu, sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cần dựa vào Nghị quyết 98 của Quốc hội để kiến tạo, chuẩn bị đón chu kỳ kinh tế, từ quý II/2024.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, doanh nghiệp ở Thành phố vẫn còn gặp khó khăn đối với các vấn đề như chậm hoàn thuế xuất khẩu, các thủ tục về đất đai.

Do đó, ông Hòa đề xuất cần khơi thông nguồn lực đất đai mạnh mẽ để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nếu sớm xác định giá đất sẽ tránh tình trạng tạm tính giá đất, đồng thời doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đưa vào bài toán đầu tư.

“Tại hội nghị tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố tăng tốc quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết HĐND Thành phố đã đề ra. Cụ thể, Thành phố cần tập trung rà soát cải cách hành chính, hoàn thuế, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; tăng tốc giải pháp giải ngân đầu tư công”.

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tphcm-tang-toc-giai-ngan-dau-tu-cong-post656231.html