TPHCM - Thành phố hội tụ bản sắc văn hóa truyền thống - Bài 4: Gìn giữ thanh âm di sản
'Người Nghệ ai cũng mang trong mình suy nghĩ ví giặm là tiếng cha tiếng mẹ của mình, cho nên đều nằm lòng một câu ví, một điệu giặm để truyền đạt lại cho con cháu, bạn bè của mình và cho thế hệ mai sau. Chúng tôi chỉ có một trăn trở đau đáu như vậy thôi', nghệ nhân Hương Lài, Chủ nhiệm CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam, bày tỏ.
Giáo dục và cách tân
Vào những ngày cuối của năm 2024, CLB Dân ca Thanh Xuân (trực thuộc Trung tâm Văn hóa và Thông tin TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đã có chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc với chủ đề Em yêu làn điệu dân ca tại Trường Tiểu học Dĩ An C (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tại chương trình, các em học sinh đã có dịp học hỏi nhiều kiến thức bổ ích, tìm hiểu về các làn điệu dân ca (hò, ví giặm…), vai trò của dân ca trong bản sắc văn hóa Việt Nam, tập hát dân ca với các nghệ nhân...
Nghệ nhân Nguyễn Quang Khánh, Chủ nhiệm CLB Dân ca Thanh Xuân, cho biết, hiện UNESCO đã tài trợ cho Dự án Âm nhạc học đường. Tuy nhiên, hệ thống giáo án giảng dạy dân ca áp dụng vào bộ môn âm nhạc phổ thông vẫn chưa được hoàn thiện. “Để đưa dân ca vào trường học, chúng tôi áp dụng hình thức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, như vào tiết chào cờ đầu tuần. Các em sẽ có khoảng 20 đến 30 phút nghe giới thiệu cơ bản và biểu diễn một thể loại hát dân ca. Các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia giảng dạy đều là giáo viên có chuyên môn sư phạm, sẽ làm cho các em hứng thú với văn hóa dân gian. Hơn nữa chính thầy cô và các em học sinh sẽ có sự hiểu biết về dân ca một cách sâu sắc nhất”, nghệ nhân Nguyễn Quang Khánh nói.
Đưa dân ca vào trường học cũng là mục tiêu mà các CLB ví giặm hướng đến. Theo nghệ nhân Hương Lài, nhiều năm qua, hai CLB (CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam và CLB Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh TP Thủ Đức) đã đến nhiều trường học trên địa bàn TPHCM để giao lưu, truyền dạy và hát ví, giặm cho các em. “Ban đầu các em cũng e dè, ngạc nhiên lắm. Nhưng mình hướng trọng tâm vào các em, soạn các lời mới vui tươi và gần gũi với các em như Mỗi ngày em đến lớp, trang sách mở trang đời/ Lời thầy cô dạy bảo…, dần dần các em chú ý, quan tâm hơn hẳn”, nghệ nhân Hương Lài, Chủ nhiệm CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam, bày tỏ.
Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Văn học Nghệ thuật TPHCM, Chi hội trưởng Tinh Văn Diễn Cầm - Hội Di sản văn hóa TPHCM, cũng đặc biệt chú trọng việc đưa giá trị của các loại hình di sản vào trường học. Anh xác định: “Đây là một hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa dân tộc và đã được rất nhiều trường làm. Tuy nhiên theo tôi được biết, nhiều trường cũng loay hoay vì họ không có nguồn thông tin đầy đủ, dẫn đến tình trạng đôi khi làm cho có hoặc chưa chính xác. Đứng ở góc độ giáo dục, nó sẽ mang đến tác dụng ngược, thậm chí khiến các em học sinh không thích ngay từ đầu. Cốt yếu vẫn phải là xây dựng nền tảng từ gốc. Lý tưởng nhất là người truyền nghề có chuyên môn vững, phương pháp tốt, sẽ thu hút các em đến với nghệ thuật dân tộc một cách chính xác, đúng bài bản”.
Ngoài mục tiêu đưa vào trường học, làm mới các loại hình di sản cũng là hướng đi được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang thực hiện. NSƯT Vân Khánh nhận định, ca Huế cũng như các thể loại âm nhạc dân tộc khác đang có nguy cơ thất truyền. Muốn đưa âm nhạc cổ truyền dân tộc vào đời sống đương đại, bên cạnh việc giữ trọn vẹn sự tinh túy thì cũng phải tìm cách làm mới để nó tiếp tục được phát triển trong dòng chảy nghệ thuật hôm nay.
Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn đồng tình khi cho rằng: “Thay vì khi diễn ca trù chỉ có hát và đàn, chúng tôi sẽ lồng vào đó trích đoạn kịch. Nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ hát theo cách hát của ca trù để người xem cảm nhận có gì đó rất lạ, khiến họ ấn tượng, dễ tiếp thu hơn”. Anh cũng cho biết, cùng là một bản ca trù sẽ được trình diễn theo các phiên bản khác nhau: theo cách hát ngày xưa và theo lối cách tân, để từ đó khán giả cảm nhận sự phong phú, đa dạng của loại hình này.
Trong khi đó, xác định chức năng bảo tồn, giữ gìn những lời ca cổ của ví giặm đã có hai trung tâm bảo tồn ở Nghệ An và Hà Tĩnh, các CLB tại phía Nam, những khi đi diễn xướng đều linh động chuyển soạn lời mới để công chúng ở mọi miền có thể nghe được. Nghệ nhân Hương Lài cho biết, soạn lời mới sẽ lựa những bài hát phù hợp với khán giả thành phố, chuyển hóa thành những làn điệu hát giặm vui, sinh động.
“Nâng bước” di sản bằng công nghệ
Năm 2022, NSƯT Vân Khánh lần đầu tiên kết hợp cùng NSND Thúy Hường, NSND Bạch Tuyết thực hiện MV Ngân nga Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch thông qua âm nhạc truyền thống. MV là bản phối từ 3 làn điệu, gồm quan họ, ca Huế và cải lương, được thực hiện bởi nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và 2 cố vấn: nghệ sĩ đàn tranh - TS-NSƯT Hải Phượng, TS Phan Thuận Thảo.
NSƯT Vân Khánh cho biết, cách làm này không chỉ vừa làm sinh động, lan tỏa văn hóa Việt Nam mà còn truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc đến thế hệ trẻ. NSND Thúy Hường cũng cho rằng, ý tưởng làm Ngân nga Việt Nam rất thú vị, mới lạ khi các loại hình nghệ thuật truyền thống được quảng bá trên một nền tảng nội dung đa dạng. Đây có thể được xem là một cách tiếp cận hợp lý nhằm khích lệ các bạn trẻ tiếp cận âm nhạc truyền thống.
Từ năm 2022, NSƯT Vân Khánh đã lập thêm kênh TikTok ngoài kênh YouTube có từ trước đó, nhằm ghi lại những trích đoạn ca Huế, mong muốn “thổi làn gió mới” âm nhạc truyền thống đến người dùng trên nền tảng. Chị đã ra mắt các tác phẩm Chầu văn remix, Điệp khúc tri âm, Giữ lửa đam mê - vốn là các bài chủ đạo của ca Huế nhưng được hòa âm, xử lý theo cách mới, dùng nhạc điện tử kết hợp nhạc cụ dân tộc, giúp khán giả trẻ dễ cảm nhận. NSƯT Vân Khánh cho biết, hiện đang thực hiện dự án thu mới những bản nhạc ca Huế theo một số hình thức như các bản karaoke, video ngắn trên TikTok…
“Có nhiều vất vả, nhưng ca Huế là di sản quý giá của dân tộc cần được trao truyền lại cho thế hệ mai sau nên chúng ta không thể để dòng chảy ca Huế bị đứt đoạn. Việc ra album, MV, hay làm các đoạn video trên các nền tảng mạng xã hội cũng là một trong những nỗ lực để đưa ca Huế tiếp cận đời sống. Nếu không có những thế hệ khán giả trẻ kế cận, hiểu và yêu, âm nhạc dân tộc sẽ dần dần biến mất trong đời sống có quá nhiều lựa chọn hôm nay”, NSƯT Vân Khánh trải lòng.
Để phát huy và lan tỏa nhiều hơn nghệ thuật đờn ca tài tử, cách đây 4 năm, học trò của NSND Thanh Tuyết đã giúp bà lập kênh YouTube, đến nay đã đăng tải 55 video clip bài bản, thể điệu, giúp người nghe hiểu rõ hơn cách hát của các bài bản tài tử, có thể tìm hiểu, rèn luyện, cho đúng nhất kỹ thuật. “Khi lập kênh có nội dung quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, tôi mong sẽ lưu giữ lại được những giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp và dòng nhạc này ngày càng đến gần hơn, được công chúng yêu quý, đặc biệt là đến các bạn trẻ”, NSND Thanh Tuyết chia sẻ.
Các nghệ sĩ - nghệ nhân đều cho rằng, công nghệ 4.0 dù có thể hỗ trợ cho công tác quảng bá, lan tỏa các loại hình di sản văn hóa đến với nhiều người, nhưng đôi khi nó cũng đem lại hiệu quả ngược. Nói như Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu, phụ trách CLB Đờn ca tài tử Gia Định: “Các bản ca sai, không đúng bài bản nếu được phát, người xem không am hiểu sẽ nghĩ đó là đúng, bắt chước và hát sai…, cứ như thế việc phổ biến dân ca sẽ xuống chất ít nhiều”. Đó là lý do theo nghệ sĩ Mai Thanh Sơn giữa rất nhiều các nội dung được đăng tải, bản thân người xem, người nghe phải có kiến thức nhất định về loại hình đó, để biết đâu là nguồn đáng tin cậy. Mặc dù vậy, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, anh khẳng định mạng xã hội vẫn rất cần thiết và sẽ phải làm để lan tỏa di sản sâu, rộng đến cộng đồng.